Thế giới ngầm thị trường buôn lậu vật liệu hạt nhân - Bài 1: Alexandr Agheencon - nhân vật nguy hiểm nhất thế giới

Thứ Bảy, 29/12/2018, 12:50 [GMT+7]
In bài này
.

 

“Đại tá” Alexandr Agheencon - người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới.
“Đại tá” Alexandr Agheencon - người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới.

Với biệt danh “đại tá”, có hai quốc tịch Nga - Ukraine, Alexandr Agheencon được Chính phủ Mỹ, Anh, Pháp, Ukraine, Georgia, Moldova cùng một số quốc gia Đông Âu liệt vào hàng “nguy hiểm nhất thế giới”. Đây là người đã từng bán chất phóng xạ hạt nhân Uranium 325, Caesium 137 cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và nhóm phiến quân Al Shabaad ở Sudan để chế tạo “bom bẩn”, sử dụng vào mục đích khủng bố.

 

Sau rất nhiều cuộc săn lùng, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI phối hợp với Cơ quan An ninh Moldova giăng bẫy bắt “đại tá” trong một phi vụ mua bán chất phóng xạ Uranium trị giá 320.000 Euro, diễn ra tại Chisinau, thủ đô Moldova nhưng một lần nữa, “đại tá” lại lọt lưới…

THƯƠNG VỤ BÍ MẬT

Đó là một buổi sáng tháng 3-2011, Constantin Malic, 27 tuổi, sĩ quan cảnh sát Moldova trong bộ quần áo dân sự đang rảo bước trên một con đường ở khu chợ trời thành phố Chisinau, thủ đô Cộng hòa Moldova. Nhiệm vụ của Malic lúc ấy là theo dõi một nhóm tội phạm vận chuyển tiền Euro giả từ biển Đen đến TP. Naples, Italia.  

Khi vừa qua khỏi một khúc quanh, Malic nghe có tiếng chào mình. Quay đầu nhìn lại thì đó là một người đàn ông lớn tuổi, tạm gọi là Kolevich, làm nghề môi giới để kiếm tiền hoa hồng. Kolevich biết Malic là cảnh sát chìm vì đôi lần, ông đã cung cấp cho Malic một số thông tin giá trị về những hoạt động của thế giới ngầm ở chợ trời Chinisau. Sau cái bắt tay xã giao, Kolevich đưa mắt nhìn quanh rồi thì thào với Malic: “Anh đã bao giờ nghe nói đến Uranium chưa?”. 

Thời điểm ấy, vật liệu hạt nhân là vấn đề còn rất mới mẻ với Malic. Anh kể: “Tôi lắc đầu, chưa hiểu gì cả. Kolevich lại tiếp tục: “Người Hồi giáo đang muốn mua Uranium để làm bom. Còn người bán là Alexandr Agheencon”. Cái tên Alexandr Agheencon khiến Malic lên cơn ớn lạnh. Có biệt danh là “đại tá”, Agheencon được coi là “người đàn ông nguy hiểm nhất hành tinh”, bị Chính phủ Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Cộng hòa Georgia, Cộng hòa Moldova và một số quốc gia khác phát lệnh truy nã. 

Vốn là kỹ thuật viên làm việc tại một căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô ở Ukraine, sau vụ nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl và sau khi Liên bang Xô viết tan rã, Agheencon biến mất. Mãi đến năm 2009, cái tên Agheencon mới được biết đến trong một thương vụ bán 20 gam Uranium 325 cho nhóm khủng bố Al Shabaad, hoạt động ở miền Nam Sudan. Năm 2010, Agheencon lại tiếp tục bán 24 gam chất thải phóng xạ Caesium 137, là loại được ưa chuộng trong việc chế tạo “bom bẩn” cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Với số lượng như thế, nó quá ít để có thể chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng nếu nó được gài kèm với một khối chất nổ thì khi phát nổ, phóng xạ từ 24 gam Caesium 137 đủ để làm nhiễm xạ một khu vực bán kính từ 3-5km nếu gặp gió lớn. Ngoài những nạn nhân chết ngay tại chỗ hoặc chết tại bệnh viện vì hậu quả của vụ nổ, hàng chục ngàn người khác cũng sẽ chết bởi các bệnh ung thư do phóng xạ trong những tháng về sau. 

Đến cuối năm, khi bắt giữ một trung gian của “đại tá”, cảnh sát Moldova tìm thấy bản thiết kế một quả “bom bẩn” giấu trong nhà người này nhưng “đại tá” thì vẫn ngoài vòng pháp luật.

THẾ GIỚI NGẦM VẬT LIỆU HẠT NHÂN

Tối hôm ấy, sau cuộc nói chuyện với Kolevich, Malic vào mạng Internet để tìm hiểu về vật liệu hạt nhân. Anh nói: “Tôi thật sự kinh hoàng khi biết rằng nếu chất phóng xạ lọt vào tay bọn khủng bố, nó không chỉ gây nguy hiểm cho một quốc gia mà còn cho cả nhân loại. Ngay lập tức, tôi điện thoại xin gặp người đứng đầu chương trình chống buôn lậu vật liệu hạt nhân của cảnh sát Moldova”.  

24 gam chất thải phóng xạ Caesium 137 của “đại tá” Alexandr Agheencon bán cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
24 gam chất thải phóng xạ Caesium 137 của “đại tá” Alexandr Agheencon bán cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Chỉ vài ngày sau, các đặc vụ thuộc Chương trình chống buôn lậu vật liệu hạt nhân Moldova đã xác định kẻ bán Uranium là Teodor Chetrus, một trong những nhân vật trung gian của “đại tá” Alexandr Agheencon, và nguồn Urnium có thể đã được Agheencon lấy cắp từ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl sau ngày Liên bang Xô Viết sụp đổ, còn người mua là Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Được đánh giá là thông minh, thận trọng và có giáo dục, Chetrus thường xuất hiện trong những bộ quần áo đẹp, hợp thời trang. Cũng như những vụ buôn bán vật liệu phóng xạ khác, kẻ chủ mưu luôn thông qua một mạng lưới trung gian phức tạp, từ thương lượng đến giao hàng, nhận tiền, để tránh bị bắt thì thương vụ này cũng vậy, Teodor Chetrus chỉ là kẻ đứng giữa, là cầu nối giữa “đại tá” và Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Khi Liên bang Xô Viết sụp đổ vào đầu thập niên 1990 dẫn đến tình trạng hỗn loạn, đã xảy ra nhiều vụ đánh cắp chất phóng xạ từ các lò phản ứng và các cơ sở hạt nhân chỉ được bảo vệ sơ sài ở Nga và các quốc gia nằm trong Liên bang Nga. 2 vụ bán chất phóng xạ Uranium và Caesium tại nước láng giềng Moldova do “đại tá” Alexandr Agheencon chủ mưu, đã khiến cảnh sát nước Cộng hòa Georgia đặt sự chú ý vào Abkhazia, một vùng lãnh thổ đã tách khỏi sự kiểm soát của nước này hồi đầu thập niên 1990. Mặc dù tự xưng là “quốc gia” nhưng Abkhazia không được thế giới công nhận vì không có đường biên giới. Tuy nhiên, Abkhazia lại là nơi đặt những kho chứa vật liệu hạt nhân, bởi lẽ khi Thế chiến II kết thúc, các nhà vật lý người Đức được Liên Xô tuyển dụng đã xây dựng các máy ly tâm đầu tiên tại Viện Vật lý và Công nghệ Sukhumi, thủ đô của Abkhazia. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đây vẫn là trụ cột chính của chương trình hạt nhân Liên Xô.

Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết đã dẫn đến nội chiến ở Abkhazia giữa một bên là chính phủ mới của Gruzia và một bên là những kẻ ly khai muốn chiếm giữ Viện Vật lý và Công nghệ Sukhumi. Để bảo vệ nguồn phóng xạ, chính phủ Georgia đã thành lập một lực lượng đặc biệt, chuyên trấn áp những kẻ trộm cắp. Khi cuộc nội chiến kết thúc, Abkhazia chính thức ly khai khỏi phần còn lại của Georgia thì kể từ đó, số phận của các kho dự trữ hạt nhân là điều bí ẩn đối với các nhà quan sát quốc tế.

Và rồi bắt đầu từ năm 1992, Abkhazia trở thành trạm trung chuyển cho những kẻ buôn lậu với các loại súng đạn, tên lửa vác vai, thuốc lá, trứng cá hồi và dĩ nhiên là không thể thiếu Uranium mà không hề có bất kỳ sự can thiệp nào. Ở một dải đất thuộc nước Cộng hòa Transnistria ly khai khỏi Moldova, nằm dọc theo con sông Dniestr, biên giới giữa Moldova và Ukraine, nơi cảnh sát Moldova không thể với tới, từ đầu thập niên 1990 đã trở thành căn cứ của “đại tá” Alexandr Agheencon, một trong những nhân vật buôn lậu hạt nhân khét tiếng toàn cầu. 

VŨ CAO

Theo Global Witness

;
.