Những chuyện khó tin về sự "đầu thai" - Bài 2: Bí ẩn chưa có lời giải

Thứ Sáu, 07/12/2018, 14:47 [GMT+7]
In bài này
.

Ngay khi Tiến sĩ Tucker cho ra đời cuốn sách khảo cứu về hiện tượng “đầu thai”, nó đã lập tức thu hút sự chú ý của những nhà thần kinh học, tâm thần học cùng các nhà nghiên cứu về những hiện tượng tâm linh. Bên cạnh đó, nó còn tạo ra ảnh hưởng rất lớn đối với tín đồ của một vài tôn giáo bởi việc đầu thai được họ quan niệm là vòng luân hồi.

Tiến sĩ Tucker, tác giả công trình nghiên cứu về hiện tượng đầu thai.
Tiến sĩ Tucker, tác giả công trình nghiên cứu về hiện tượng đầu thai.

1. Trong số hơn 30 trường hợp được Tiến sĩ Tucker nêu ra trong cuốn Đầu Thai, có những trường hợp được sự chứng nhận của hàng trăm người, và điều đó đã xóa tan ý kiến cho rằng Tucker chỉ bịa chuyện hoặc phóng đại.

Tháng 6-2012, phi công Bruce Willis dẫn đứa con trai 2 tuổi của mình là James Willis đến thăm Viện bảo tàng hàng không Cavanaugh, nằm ở ngoại ô thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ. Trong viện bảo tàng, Bruce cùng con trai xem một bộ phim nói về đội bay biểu diễn nổi tiếng thế giới “Thiên thần xanh” (Blue Angel). Ông Bruce kể: “Ngay sau khi xem xong, con tôi lập tức đập nát chiếc máy bay mô hình bằng nhựa kiểu Corsair mà tôi vừa mua cho nó - vào thành ghế rồi hét lên bằng một giọng đàn ông ồm ồm, rằng máy bay đã bốc cháy”.

Vô cùng ngạc nhiên vì trước đó, James mới chỉ đang tập nói và cũng mới chỉ bập bẹ được vài từ, Bruce vội vã đưa con về nhà. Tại nhà, James kể rằng tên cậu cũng là James. Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, cậu là phi công lái máy bay cường kích Corsair trên tàu sân bay USS Natoma Bay. Cậu nói với mẹ là bà Andrea: “Mẹ ơi, trước khi mẹ sinh con ra, con là phi công và con đã bị quân Nhật bắn trúng động cơ máy bay, cánh quạt bị gãy, ăng ten trước mũi cũng gãy. Con rơi xuống biển và con đã chết”. Ông Bruce cho James xem một cuốn sách nói về trận đánh của quân đội Mỹ nhằm chiếm đảo Iwo Jima từ tay quân Nhật và khi nhìn thấy bức hình ngọn núi Suribachi, James đã hét lên: “Đây là nơi tôi bị bắn”.

Những sự kiện này đã khiến vợ chồng Bruce bối rối. Ông nói: “Khi nghe về cuộc họp mặt của cựu chiến binh tàu USS Natoma Bay, tôi xin phép tham dự”. Trong cuộc họp mặt ấy, ông vô cùng kinh ngạc khi biết rằng trong số những phi công của tàu USS Natoma Bay đã hy sinh, có một người tên là James Huston, 21 tuổi, quê ở bang Pennsylvania. Phi đội trưởng Donovan, người trực tiếp chỉ huy James Huston cho biết kết quả trục vớt để tìm xác James Huston sau đó đã cho thấy máy bay của James bị bắn trúng động cơ và cánh quạt, còn cần ăng ten trước mũi máy bay thì không tìm thấy. Điều lạ lùng nhất là khi kiểm tra lại chiếc máy bay mô hình của James - mà cậu bé đã đập nó vào thành ghế khi xem phim ở Viện bảo tàng hàng không Cavanaugh, ông Bruce thấy nó bị vỡ ngay tại phần động cơ và cánh quạt, còn ăng ten thì biến đi đâu mất! 

Phi công James Huston (ảnh lớn) được cho là đầu thai vào cậu bé James Willis (ảnh nhỏ).
Phi công James Huston (ảnh lớn) được cho là đầu thai vào cậu bé James Willis (ảnh nhỏ).

Chuyện “đầu thai” của phi công James Huston đã khiến Tiến sĩ Tucker bỏ ra gần 1 năm để khảo sát. Qua nhiều cuộc tìm kiếm, Tucker gặp được bà Anne Huston, em gái ruột của phi công James Huston, lúc ấy đã 80 tuổi. Bà Anne khẳng định tất cả những gì mà cậu bé James kể là hoàn toàn đúng sự thật. Phi đội trưởng Donovan nói thêm: “Điều khiến tôi rùng mình là cậu bé cho biết máy bay Corsair được các phi công đánh giá cao vì sử dụng lốp phẳng thay vì lốp cong. Điều ấy giúp nó hạ cánh xuống tàu sân bay dễ dàng hơn, nhẹ nhàng hơn. Chi tiết kỹ thuật này nếu không phải người đã từng lái Corsair thì không thể biết”.

Tiếp tục kiểm chứng, Tiến sĩ Tucker mời tất cả những cựu phi công của tàu USS Natoma Bay họp mặt tại một khách sạn. Ở hành lang, khi phi công Bob Greenwalt hỏi James: “Bạn biết tôi là ai không?” thì cậu bé James trả lời không chút suy nghĩ: “Bạn là Bob Greenwalt”. Khi các cựu phi công đưa James tới một chiếc máy bay Corsair đang được trưng bày tại một căn cứ không quân gần đó rồi đặt James vào ghế lái, cậu bé đã thực hiện thuần thục các thao tác để khởi động máy bay như thể cậu ta đã có 2 năm ở Trung tâm huấn luyện Nevada. James nói: “Trước khi tôi ra đời, tôi đã nhìn thấy ông bà Bruce ăn tối trên bãi biển Waikiki ở Hawaii. Tôi biết hai người đó sẽ là cha mẹ tôi” trong lúc vào thời điểm ấy, theo ông Bruce thì ông mới cưới bà Andrea, và họ đang đi hưởng tuần trăng mật.

2. Một trường hợp khác cũng khiến Tiến sĩ Tucker mất nhiều thời gian tìm hiểu là cậu bé 6 tuổi tên Robert Lee, sống với cha mẹ ở thị trấn Buffalo, bang North Carolina. Ngay từ khi lên 3 tuổi, Lee đã tỏ ra yêu thích điện ảnh, ghét các loại máy cày, máy kéo và cực kỳ khó chịu khi có ai đó đụng chạm đến ngực và tay cậu. Rất nhiều lần, cậu nói với cha mẹ - ông William và bà Jennifer - rằng cậu đã từng viết… kịch bản phim!

Cho rằng Lee bị ảnh hưởng bởi những bộ phim hoạt hình cậu xem hàng ngày nên cha mẹ Lee chẳng để ý nhưng một hôm, cả nhà bàn việc tổ chức sinh nhật lần thứ 6 cho Lee (ngày 21-6) thì cậu nói mình không sinh ra vào ngày đó, mà là ngày 26-6. Đặc biệt hơn nữa, Lee nói với mẹ: “Bộ phim Cuốn theo chiều gió do con viết kịch bản. Con là Sidney Coe Howard, con chỉ mượn mẹ để đầu thai”. Bà Jennifer cho biết: “Trước đó, chúng tôi chưa từng cho nó xem phim này vì đây là phim người lớn. Nó không hề biết bộ phim ấy và cũng không hề biết tác giả kịch bản là ai”. Chưa hết, Lee còn kể vanh vách từng chi tiết về căn nhà “của mình” ở Hollywood, cùng vị trí của một chiếc máy kéo.

Sidney Coe Howard là nhà viết kịch người Mỹ. Năm 1925, ông nhận giải thưởng Pulitzer cho một vở kịch mà ông là tác giả. Năm 1940, ông nhận thêm giải Oscar cho kịch bản phim Cuốn theo chiều gió - bộ phim được giới phê bình điện ảnh đánh giá là một trong những phim hay nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, trước khi giải Oscar được trao cho Howard thì ông đã qua đời trong một tai nạn máy kéo khi mới 48 tuổi!

Theo Tiến sĩ Tucker, tác giả Cuốn theo chiều gió sinh ngày 26-6-1891. Năm 1939, khi lái chiếc máy kéo ra khỏi nhà kho tại một trang trại ở bang Massachusetts để xới đất thì chẳng hiểu vì lý do gì, chiếc máy kéo đâm sầm vào bức tường của nhà để xe. Kết quả là Howard chết vì gãy tay và chấn thương nặng ở vùng ngực. Bà Jennifer, mẹ Lee, nói: “Cho đến lúc ấy, tôi mới hiểu tại sao con trai tôi rất ghét máy kéo, và không chịu để cho ai sờ vào ngực mình. Nhiều đêm, khi đang ngủ, đột nhiên nó la hét, rằng cánh tay của nó đã gãy nát”.

Tìm đến trang trại nơi Howard đã chết, Tiến sĩ Tucker phát hiện con gái của Howard còn sống ở đó, và chiếc máy kéo vẫn nằm đúng nơi mà Lee đã kể. Được vợ chồng ông bà William đồng ý, tiến sĩ Tucker đã tổ chức một buổi gặp giữa cậu bé Lee và người con gái của Howard ngay tại trang trại này. Mặc dù chưa đến đây lần nào nhưng Lee vẫn nói vanh vách về từng thứ đồ đạc trong nhà, kể cả những chỗ hư hỏng mà Howard đã sửa chữa. Khi bước vào phòng ngủ, Lee trèo lên giường nằm khiến con gái Howard sững sờ vì “y hệt như cách nằm của cha tôi lúc còn sống”. Tiến sĩ Tucker nói: “Tôi tin rằng sự tái sinh là có thật vì theo thuyết vật lý lượng tử, ý thức của con người sau khi chết vẫn tồn tại, và có thể di chuyển cả trong không gian lẫn thời gian. Nhưng tại sao ý thức ấy lại “nhập” vào một người khác thì vấn đề này còn cần phải nghiên cứu sâu hơn, có hệ thống…”. 

VŨ CAO
Theo Return to Life


Những chuyện khó tin về sự "đầu thai" - Bài 1: Mối quan hệ ngược đời

Những chuyện khó tin về sự “đầu thai” - Bài 2: Bí ẩn chưa có lời giải

;
.