GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa trong vụ án xâm hại tình dục

Chủ Nhật, 03/11/2019, 18:00 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Cháu tôi mới hơn 14 tuổi, bị kẻ xấu xâm hại tình dục. Hồ sơ vụ việc đã được Tòa án thụ lý, chuẩn bị đưa ra xét xử trong thời gian tới. Vậy, cháu tôi có phải trực tiếp đến tòa với tư cách bị hại, có buộc phải thực hiện các yêu cầu khác có thể khiến cháu bị ảnh hưởng tâm lý và hoảng loạn tinh thần hay không?

(Nguyễn Thị Hoa, TP.Bà Rịa)

Trả lời: Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP (có hiệu lực từ ngày 5/11/2019) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự; hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục (XHTD) người dưới 18 tuổi.

Theo đó, khi xét xử vụ án XHTD người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện: Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...). Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (micro, loa, tivi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án, nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại không quá 3m.

Mặt khác, khi xét xử vụ án XHTD người dưới 18 tuổi, Tòa án không được yêu cầu bị hại tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; Không được sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại; Không được cho đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa; Không được xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác; Không để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại; Không buộc bị hại phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa; Không được công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Luật gia: THANH MAI

 
;
.