GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT:

Không bắt buộc về nơi thường trú để chứng thực lý lịch

Thứ Tư, 03/04/2019, 17:11 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi chuẩn bị tốt nghiệp và đang làm hồ xin việc. Trong hồ sơ có yêu cầu sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương. Tôi có thể chứng thực tại nơi đang sinh sống hay buộc phải về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú?

(Phạm Xuân Thanh, Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh)

Anh Thanh thân mến!

 Sơ yếu lý lịch là một loại giấy tờ, trong đó chứa đựng những thông tin cơ bản nhất về nhân thân, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, quá trình học tập, công tác v.v… của công dân. Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền chứng thực “Sơ yếu lý lịch” mà chỉ có quy định chung.

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, đã có các văn bản hướng dẫn việc xác nhận Sơ yếu lý lịch/Chứng thực sơ yếu lý lịch sau đây: Ngày 20-3-2014, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành Công văn 1520/HTQTCT-CT hướng dẫn xác nhận Sơ yếu lý lịch.

Công văn 1520 hướng dẫn rõ: UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong Sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng. UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân.

Ngày 25-8-2017, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực  tiếp tục ban hành Công văn 873/HTQTCT-CT về quán triệt thực hiện chứng thực Sơ yếu lý lịch. Công văn 873 nêu rõ: Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục phổ biến, quán triệt và chỉ đạo đến tất cả các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực trên địa bàn (gồm UBND cấp xã, phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện, các tổ chức hành nghề công chứng) tuyệt đối không phê nội dung nhận xét về việc chấp hành chủ trương, pháp luật, chính sách, quy định... của Đảng, Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân; chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người yêu cầu trên Sơ yếu lý lịch theo đúng quy định tại Mục 3, từ Điều 23 đến Điều 26 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Như vậy có thể thấy, đối với loại giấy tờ mang tên “Sơ yếu lý lịch” thì việc yêu cầu chứng thực (hay là xác nhận theo như hướng dẫn trước đây) đều chỉ thực hiện thông qua việc “Chứng thực chữ ký”.

Theo quy định hiện hành về việc chứng thực chữ ký từ Điều 23 đến Điều 26 tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì: Người yêu cầu chứng thực chữ ký phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký để yêu cầu chứng thực chữ ký. Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực trong giấy tờ, văn bản. Người yêu cầu chứng thực xuất trình CMND/CCCD/passport (còn giá trị sử dụng) để tiến hành các thủ tục chứng thực chữ ký. Điều này có nghĩa, khi yêu cầu chứng thực chữ ký trên Sơ yếu lý lịch thì người yêu cầu có thể đến bất cứ UBND cấp xã nào để thực hiện mà không cần phải về địa phương nơi có đăng ký hộ khẩu thường trú và tự chịu trách nhiệm về những nội dung mà mình đã khai.

QUÝ NGUYỄN

;
.