VĂN HÓA BA MIỀN HỘI TỤ

Kỳ 5: Đờn ca tài tử trong đời sống người dân phố biển

Thứ Hai, 04/01/2021, 19:19 [GMT+7]
In bài này
.

Đờn ca tài tử (ĐCTT) là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, với phạm vi ảnh hưởng ở 21 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh BR-VT lần thứ IX năm 2019.
Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh BR-VT lần thứ IX năm 2019.

Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, ĐCTT có mặt trong các chương trình văn hóa, nghệ thuật, trong các buổi sinh hoạt lao động của người dân. Nhiều CLB đờn ca tài tử tại các huyện, thành phố đã được thành lập, duy trì và phát triển dòng nhạc này. Trong đó, CLB Đờn ca tài tử huyện Đất Đỏ là một trong những CLB hoạt động sôi nổi, tạo được ấn tượng trong lòng khán giả.

Trung tâm VH-TT-TT huyện Đất Đỏ là “đại bản doanh” của CLB Đờn ca tài tử huyện. Những ngày cuối tuần, các thành viên CLB lại tề tựu đông đủ để cùng nhau tập luyện ngón đờn, bài bản mới. Lắng nghe âm thanh trong trẻo, nhẹ nhàng, lúc trầm bổng, réo rắt, thiết tha cùng những ca từ da diết, ngọt ngào ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, chúng tôi như được trở về với cuộc sống bình dị của người dân Nam Bộ.   

Ông Trần Hoàng Hưng, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử TT.Phước Hải, kiêm Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử huyện Đất Đỏ cho biết, ĐCTT là loại hình sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng, phản ánh tâm tư, tình cảm, lối sống phóng khoáng, cởi mở của người dân Nam Bộ. Thông qua ĐCTT, các tập quán xã hội khác như: lễ hội, văn hóa truyền khẩu, nghề thủ công… cũng được bảo tồn và phát huy. 

Theo ông Hưng, những người thực hành ĐCTT gồm: người dạy đàn (thầy đờn) có kỹ thuật đàn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy cách chơi các nhạc cụ; người đặt lời (thầy tuồng) nắm giữ tri thức và kinh nghiệm, sáng tạo những bài bản mới; người dạy ca (thầy ca) thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện, dạy cách ca ngâm, ngân, luyến; người đờn (danh cầm) là người chơi nhạc cụ và người ca (danh ca) là người thể hiện các bài bản bằng lời. 

ĐCTT được thực hành theo nhóm, CLB và gia đình. Do vậy, nhạc công ít khi độc tấu, mà thường song tấu, tam tấu, hòa tấu. Dàn nhạc thường cùng ngồi trên một bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với phong cách thảnh thơi, dựa trên khung bài bản cố định gọi là “lòng bản”. Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo. Trong sân chơi này, người thưởng thức và người phục vụ thường không phân biệt. Người đến nghe nhạc có thể trải lòng mình đồng cảm với lời ca, ngón đờn. Lúc cao hứng, họ cũng có thể tham gia hát khi nửa bản phụng hoàng, lúc đoạn nam ai hoặc vài ba câu vọng cổ.

Sức sống của ĐCTT trên địa bàn tỉnh còn được thể hiện qua niềm đam mê của từng cá nhân. Nhiều người vì yêu thích mà đã cố gắng học, tập luyện giọng ca, ngón đờn. Ông Trần Hoàng Hưng là một ví dụ. Ông đam mê ĐCTT từ năm 16 tuổi do thường được tiếp xúc với các nghệ nhân ĐCTT. Từ năm 1972, ông Hưng đã thuộc lòng nhiều bài hát ĐCTT và sử dụng thành thạo đàn ghi ta phím lõm, 5 nốt nhạc chính: hò, xự, xang, xê, cống nên dù bài hát được cách tân, lời ca được làm mới thì điệu nhạc ông vẫn giữ nguyên được đặc sắc riêng vốn có. 

Hiện nay, CLB Đờn ca tài tử huyện Đất Đỏ có 20 thành viên và 30 cộng tác viên. Mỗi tháng, CLB tổ chức 1 buổi sinh hoạt và 1 chương trình giao lưu, biểu diễn luân phiên tại các địa phương trong toàn huyện. 

Trải qua hàng trăm năm, dòng chảy ĐCTT trên vùng đất BR-VT vẫn được các nghệ nhân, tài tử duy trì, được truyền dạy qua nhiều thế hệ. Điều đáng mừng, trước sự phát triển mạnh mẽ của các dòng nhạc hiện đại, ĐCTT vẫn được nhiều người dân yêu thích và tập luyện, trong đó có nhiều bạn trẻ. 

Em Lê Nguyễn Bảo Trân, HS lớp 5A, Trường TH Lộc An (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) cho biết, năm 2019, em tham gia CLB Đờn ca tài tử huyện và đến nay, em đã thuộc lòng nhiều bài hát như: Dạ cổ hoài lang, Vọng kim lang, Công cha nghĩa mẹ ơn thầy. 

Bài, ảnh: NGỌC TRÚC

 

;
.