Lễ hội Yangva tạ ơn thần linh của đồng bào Châu Ro

Thứ Hai, 02/12/2019, 20:10 [GMT+7]
In bài này
.

Lễ hội Yangva là một lễ hội lớn nhất trong năm của người Châu Ro đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Lễ hội này mang ý nghĩa tạ ơn các thần linh đã ban cho cộng đồng Châu Ro vụ mùa no ấm, cuộc sống khỏe mạnh, bình yên.

Già, trẻ, gái, trai người Châu Ro tập trung bên suối ca hát cảm ơn các thần linh đã phù hộ mùa màng bội thu. Ảnh: PHƯỚC AN
Già, trẻ, gái, trai người Châu Ro tập trung bên suối ca hát cảm ơn các thần linh đã phù hộ mùa màng bội thu. Ảnh: PHƯỚC AN

Bà Đào Thị Mùi (75 tuổi, dân tộc Châu Ro, ngụ xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) cho biết, lễ hội Yangva hay còn gọi lễ hội mừng lúa mới được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Châu Ro. Hàng năm, lễ hội Yangva được tổ chức từ tháng 2 đến giữa tháng 3 Âm lịch, sau vụ mùa để cúng tạ ơn thần lúa, thần núi, thần sông, thần đất… vì đã phù hộ, ban cho người Châu Ro có một vụ mùa bội thu và cầu mong mưa thuận, gió hòa để mùa sau các gia đình của người Châu Ro lại được no ấm, đủ đầy.

Trong lễ hội Yangva, cây nêu rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa tượng trưng. Theo cách nghĩ của người Châu Ro, cây nêu được xem là cây thông thiên. Bởi, họ dựng cây nêu là để gửi tin báo và thư mời cho thần linh đến dự lễ hội với người Châu Ro. Đối với con người thì cây nêu là mối giao hòa giữa các thành viên cộng đồng. Hễ thấy cây nêu thì biết rằng làng đã vào lễ hội Yangva. Khi tổ chức cúng Yangva, người Châu Ro thường làm một cây nêu đặt trước sân có bàn thờ nhang chính, đồng thời khoảng sân để đốt lửa và sinh hoạt cộng đồng khi đêm xuống.

Cây nêu được làm từ cây vàng nghệ, một loại cây rừng có thân suôn, thẳng. Đặc biệt, loại cây này khi bào vỏ thì có màu vàng nghệ rất đẹp, cây nêu được người Châu Ro trang hoàng khá công phu và tỉ mỉ. Cây nêu có ba tầng nấc chính. Trên cao là chùm lúa nhiều hạt vươn lên với vai trò chủ thể vật cúng. Hai tầng nấc nhỏ trên thân cây nêu tượng trưng cho thần linh và tổ tiên. Những gì sử dụng trang trí thể hiện trên cây nêu đều quy chiếu về những con số chẵn với quan niệm hoàn thiện, đầy đủ. Phía dưới gốc nêu buộc các con vật hiến tế như gà, heo.

Nghi thức cúng thần lúa trong lễ hội Yangva của người Châu Ro trên địa bàn BR-VT. Ảnh: MINH THANH
Nghi thức cúng thần lúa trong lễ hội Yangva của người Châu Ro trên địa bàn BR-VT. Ảnh: MINH THANH

Bà Đào Thị Mùi là thành viên Ban lễ hội Yangva ở xã Bàu Chinh. Bà Mùi cho biết lễ hội là dịp để cộng đồng Châu Ro được vui chơi. Vì vậy, từ nhiều ngày trước, những người trong ban lễ hội đã phải lo chuẩn bị cồng chiêng, rượu cần, sắm lễ vật cúng thần linh như gà, lợn, bánh cặp, cơm ống nấu trong thân cây nứa. Điều đáng chú ý là nguyên liệu gói bánh cặp sử dụng hoàn toàn bằng gạo nếp thơm, không cho bất kỳ gia vị nào vào bánh. Lá dùng gói bánh phải lấy loại lá lùn mọc theo bờ suối. “Sử dụng lá lùn để gói bánh và gạo nếp không sử dụng gia vị là thể hiện sự tinh khiết, thành kính của người Châu Ro dâng lên các thần núi, thần sông, thần rừng, thần đất và thần lúa”, bà Mùi chia sẻ.

Ngày chính của lễ hội, ngay từ sáng sớm, những người phụ nữ Châu Ro đi lên rẫy rước “hồn lúa”, đây là chùm lúa được bó lại và để lại trên rẫy sau vụ thu hoạch lúa. Khi rước “hồn lúa” về, họ chia bông lúa để trang trí trên bàn thờ, làm thịt gà, heo và chuẩn bị rượu cần, các lễ vật để cúng. Nghi thức cúng chính là cúng thần nhà trước, sau đến cúng tiên, thần lúa. Người cao niên trong làng đảm trách việc đọc lời khấn, trình bày tấm lòng thành cầu mong được thần linh phù hộ độ trì cho sức khỏe, ban cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Khi mọi nghi lễ hiến tế hoàn tất, cộng đồng người Châu Ro vui mừng tụ tập quanh gốc cây nêu để thăm hỏi, sinh hoạt ăn uống với nhau.

Bà Đào Thị Bé (73 tuổi, ngụ xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) là nghệ nhân đánh chiêng trong lễ hội Yangva cho biết, ngoài các lễ vật cúng tế thì cồng chiêng là “món ăn tinh thần” không thể thiếu và được dùng để cúng thần linh trong lễ hội Yangva. Đặc biệt, khi đêm xuống, bên đống lửa bập bùng trên sân của làng, cùng với chếnh choáng của men rượu, người Châu Ro cuồng nhiệt múa hát theo nhịp điệu cồng chiêng của dân tộc mình. Cuộc vui cứ thế kéo dài mãi đến khi trời rạng ánh bình minh.

SƠN KHÊ

;
.