Giả danh CSGT thông báo nộp tiền "phạt nguội"

Chủ Nhật, 30/05/2021, 17:39 [GMT+7]
In bài này
.

 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng mạo danh cảnh sát giao thông (CSGT) gọi điện thoại yêu cầu người dân nộp tiền phạt nguội, từ đó đánh cắp thông tin của người dân nhằm mục đích xấu. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với Đại úy Lê Thị Kim Dung, Phó Trưởng Phòng CSGT (PC08), Công an tỉnh về thủ đoạn lừa đảo mới này.

* Phóng viên: Thưa Đại úy, tình trạng giả danh công an, CSGT gọi điện thông báo cho người dân bị phạt nguội để lấy thông tin cá nhân, lừa đảo, chiếm đoạt tiền đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Đại úy nhận định như thế nào về loại tội phạm mới này?

- Đại úy Lê Thị Kim Dung: Loại tội phạm này đã xuất hiện trước đây tại một số địa phương như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… Cục CSGT cũng đã từng có văn bản gửi các địa phương yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, để nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, loại tội phạm này mới xuất hiện gần đây, nhất là sau khi Công an tỉnh đưa vào hoạt động hệ thống giám sát tự động bằng camera trên Quốc lộ 51, để tiến tới thực hiện phạt "nguội”. Lợi dụng việc này, kẻ gian sẽ thu thập thông tin của người dân thông qua Facebook, Instagram, Zalo… hoặc các nền tảng mạng xã hội khác để có được thông tin và số điện thoại cá nhân để liên lạc.

Theo phản ánh của một số người dân, thời gian qua họ nhận những cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng là số tổng đài CSGT như: Cục CSGT, Phòng CSGT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… thông báo về việc họ có biên lai phạt "nguội” do vi phạm trật tự an toàn giao thông. Thủ đoạn này không mới, nhưng đánh trúng tâm lý nên người dân rất dễ “sập bẫy”, nếu không tỉnh táo. Do đó, đây cũng là một loại tội phạm mới nguy hiểm, đang có xu hướng tăng lên và ngày càng diễn biến phức tạp. 

* Để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thủ đoạn của chúng cụ thể như thế nào, thưa Đại úy?

- Thủ đoạn của các đối tượng này khá tinh vi. Chúng chủ yếu sử dụng mạng viễn thông để liên lạc với người dân. Chúng giả danh cán bộ của cơ quan công an, cơ quan CSGT hoặc có trường hợp sử dụng hệ thống tự động để thông báo tới chủ thuê bao về việc bị phạt nguội qua hệ thống giám sát camera tự động trên Quốc lộ 51. Chúng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và làm theo các bước hướng dẫn để đóng phạt.

Với “vỏ bọc” xác minh, điều tra, xử lý phạt "nguội”, các đối tượng này sẽ yêu cầu người dân cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, CCCD, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… Qua đó, chúng khai thác thông tin cá nhân của chủ thuê bao để thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách yêu cầu kê khai tài khoản, cung cấp mã OTP… để chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Đồng thời yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt.

Tất cả các trường hợp  vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát sẽ được cơ quan CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện.
Tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát sẽ được cơ quan CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện.

* Đại úy có lời khuyên gì giúp người dân không bị “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo này?

- Điều đầu tiên là người dân luôn luôn đề cao cảnh giác, nhất là đối với những cuộc gọi từ các số điện thoại lạ. Ngoài ra, để không hoang mang, lo sợ dẫn tới “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, người dân phải hiểu cách thức cơ quan công an gửi thông báo phạt “nguội” qua hệ thống camera giám sát.

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được lực lượng CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới cơ quan CSGT để xử lý. Sau khi xác minh được lỗi vi phạm của phương tiện qua hệ thống camera giám sát, bộ phận xử lý tại Phòng CSGT, Công an tỉnh sẽ in phiếu báo hành vi vi phạm và gửi thư thông báo cho chủ phương tiện qua dịch vụ bưu điện.

Phòng CSGT không thông báo các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông qua điện thoại và cũng không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. Do vậy, khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển mang đầy đủ giấy tờ cần thiết đến trụ sở cơ quan CSGT ra thông báo để làm việc.

Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này, cảnh giác với các cuộc gọi thông báo liên quan đến biên lai phạt nguội giao thông; không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, CMND, CCCD, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng… cho kẻ lạ. Khi gặp sự việc như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để được hướng dẫn kịp thời. Đồng thời, cơ quan công an tiến hành điều tra, xác minh, đấu tranh hiệu quả với thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này.  

* Xin cảm ơn Đại úy!

TRÚC GIANG 

(Thực hiện)

;
.