Người dân đồng thuận di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Thứ Hai, 26/05/2025, 17:16 [GMT+7]
In bài này
.

Đến thời điểm này, phần lớn các cơ sở chăn nuôi đã được di dời ra khỏi khu dân cư theo Nghị quyết số 14/2021 của HĐND tỉnh. Việc chăn nuôi của người dân ở địa điểm mới cũng từng bước ổn định, cho thu nhập khá.

Ông Trần Văn Anh, ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc chăn nuôi ổn định sau khi di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết 14.
Ông Trần Văn Anh, ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã chăn nuôi ổn định tại cơ sở mới.

Bảo đảm an toàn môi trường chăn nuôi

Thực hiện chủ trương di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư theo Nghị quyết số 14/2021 của HĐND tỉnh, cuối tháng 12/2024, bà Nguyễn Thị An (ấp Sơn Lập, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) đã mua đất, đầu tư xây dựng chuồng trại tại khu vực được phép để tiếp tục duy trì chăn nuôi dê. Khu chuồng trại mới rộng rãi, sạch sẽ, hiện bà An đang nuôi đàn dê 70 con. Với giá bán hiện tại khá cao, dự kiến bà An sẽ thu lãi gần 100 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị An cho biết: “Việc di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tuy chi phí đầu tư khá lớn nhưng hiện đã cơ bản ổn định, không ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh”.

Thực hiện việc di dời các cơ sở chăn nuôi theo Nghị quyết 14, gia đình ông Lê Đăng Toản, ấp An Bình, xã Phước Hội, huyện Long Đất đã thuê 1ha đất cách nơi cũ 8km đầu tư chuồng trại mới để tiếp tục chăn nuôi vịt đẻ trứng.
Gia đình ông Lê Đăng Toản, ấp An Bình, xã Phước Hội, huyện Long Đất đã thuê 1ha đất cách nơi cũ 8km đầu tư chuồng trại mới để tiếp tục chăn nuôi vịt đẻ trứng.

Tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, ông Trần Văn Anh (ấp Phú Thọ) cũng đã thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi từ đầu tháng 11/2024. Khu chuồng trại mới cách nơi cũ hơn 1km, được đầu tư để chăn nuôi heo và dê.

“Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước không cho phép chăn nuôi trong khu dân cư. Tôi đã tiên phong di dời để làm gương, vì một môi trường sống tốt đẹp hơn. Đến nay, việc chăn nuôi tại nơi mới đã cho thu nhập ổn định”, ông Trần Văn Anh chia sẻ.

Hầu hết các hộ di dời theo Nghị quyết 14 đều đã ổn định sản xuất tại nơi mới. Ông Lê Đăng Toản (ấp An Bình, xã Phước Hội, huyện Long Đất) đã di dời cơ sở chăn nuôi từ tháng 11/2024 đến khu vực mới cách chỗ cũ khoảng 8km. Với số tiền hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng cùng vốn gia đình, ông Toản thuê 1ha đất để làm chuồng trại nuôi vịt. Hiện ông nuôi 7.000 con vịt đẻ trứng, đàn vịt phát triển tốt, cho thu nhập ổn định, bình quân khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Không để phát sinh cơ sở mới trong vùng cấm chăn nuôi

Theo báo cáo của huyện Châu Đức, toàn huyện có 1.005 cơ sở chăn nuôi nằm trong diện buộc phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động theo Nghị quyết 14. Ông Đỗ Chí Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, đến nay chỉ còn 3 cơ sở chưa di dời. UBND huyện đang chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiếp tục làm việc với các chủ hộ, yêu cầu khẩn trương di dời, chấm dứt hoạt động trong tháng 5. Trường hợp cố tình không chấp hành sẽ lập hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại TP.Phú Mỹ, tính đến tháng 5, trên địa bàn thành phố có 587/636 cơ sở chăn nuôi buộc phải di dời theo Nghị quyết 14 đã thực hiện di dời hoặc ngưng hoạt động, đạt tỷ lệ 92,3%. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Phú Mỹ cho biết, việc triển khai Nghị quyết 14 được người dân đồng tình, tích cực tham gia thực hiện. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi đã chuyển biến tích cực, góp phần hạn chế, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật sang người.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 92% số hộ chăn nuôi đã thực hiện di dời hoặc chấm dứt hoạt động. 

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, đối với các hộ còn lại, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để phát sinh cơ sở mới trong vùng cấm chăn nuôi. 

Bài, ảnh: SONG BÌNH

;
.