Kiểm soát chặt tàu cá

Thứ Ba, 25/06/2024, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 25/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì cuộc họp trực tuyến 28 tỉnh, thành có biển về công tác kiểm soát hoạt động tàu cá xuất, nhập cảng và thực thi pháp luật xử lý vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Lực lượng Đồn Biên phòng Phước Tỉnh kiểm tra máy giám sát hành trình trên tàu cá trước khi xuất bến ở cảng Tân Phước (huyện Long Điền) trưa ngày 25/6.
Lực lượng Đồn Biên phòng Phước Tỉnh kiểm tra máy giám sát hành trình trên tàu cá trước khi xuất bến ở cảng Tân Phước (huyện Long Điền) trưa ngày 25/6.

Còn nhiều tồn tại

Theo đại diện Bộ NN-PTNT, tình hình tàu cá vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Việt Nam trong năm 2024.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ NN-PTNT cho biết, cả nước có 86.820 tàu cá (trong đó tàu trên 15m có hải sản xuất khẩu sang EU chiếm 33,5%) và hơn 17.000 tàu cá “3 không”. Cả nước mới giám sát được khoảng 50% hoạt động tàu cá.

5 tháng đầu năm, số lượng tàu cá ngắt kết nối máy giám sát hành trình (VMS) trên 10 ngày khi hoạt động trên biển có 7.080 lượt tàu, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 2.636 lượt. Tình trạng tàu cá vi phạm hoạt động sai vùng xảy ra thường xuyên, với số lượng lớn tại các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh,…

Trong các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023 có nhận xét công tác thực thi pháp luật của Việt Nam trong việc xử lý vi phạm IUU còn yếu kém. Đặc biệt, việc điều tra, xử phạt hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe. Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam chỉ mới xử phạt được 81/381 tàu (đạt 21%) vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, nguyên nhân do việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU vẫn còn thiếu quyết liệt, chưa thống nhất và chưa đồng đều giữa các địa phương và trong phối hợp giữa các lực lượng chức năng.

Tăng cường xử lý vi phạm

Tại cuộc họp, cảng cá và lực lượng biên phòng các tỉnh, thành đã nêu những khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý hoạt động tàu cá xuất, nhập cảng, xử lý vi phạm IUU và kiến nghị giải pháp tháo gỡ.

Đại diện cảng cá tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tỉnh có 5 cảng cá có đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, gồm cảng Incomap, Bến Đá, Cát Lở (TP.Vũng Tàu), cảng Tân Phước (huyện Long Điền) và cảng Lộc An (huyện Đất Đỏ). Thời gian qua, các cảng cá đã phối hợp tốt với lực lượng biên phòng, văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá trong việc quản lý hoạt động tàu cá ra, vào cảng. Các cảng cá đã được trang bị máy tính bảng để hỗ trợ ngư dân khai báo thông tin ra, vào cảng, sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng qua hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử quốc gia eCDT.

“Chúng tôi kiến nghị Bộ NN-PTNT mở các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho nhân viên cảng cá, hiện còn nhiều hạn chế và có quy chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương xử lý các tàu cá vi phạm IUU của tỉnh này nhưng lại chạy qua tỉnh khác hoạt động”, ông Trịnh Đức Toàn, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói.

Từ năm 2023 đến ngày 14/6/2024, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xử lý 202/204 trường hợp mất kết nối trên 10 ngày. Trong đó, 94 trường hợp đã xử phạt với số tiền 2,319 tỷ đồng, đạt 46,53%. 108 trường hợp không xử phạt do tàu đậu bờ, chìm, xóa đăng ký hoặc chủ tàu đã thực hiện đưa tàu về bờ trước 10 ngày, lỗi nhà mạng, bất khả kháng... Đối với 2 trường hợp còn lại, lực lượng biên phòng đang điều tra, xác minh.
Tỉnh cũng đã khởi tố hình sự 2 vụ án và 1 bị can sai phạm trong hoạt động quản lý cảng cá và 19 tàu cá tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền tháo thiết bị giám sát hành trình gửi trên 1 tàu cá.

Cục Thủy sản đã triển khai cho 24/28 tỉnh, thành có biển quản lý, giám sát hoạt động tàu cá ra, vào cảng và sản lượng bốc dỡ hải sản, cấp giấy phép các lô hàng hải sản xuất khẩu qua EU qua hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử quốc gia (eCDT). Theo kế hoạch, đến 1/8 tất cả 28 tỉnh, thành, 100% cảng cá trên cả nước sẽ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia eCDT.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị lực lượng biên phòng phối hợp với các cảng cá kiểm soát chặt hoạt động tàu cá ra, vào cảng và xử lý nghiêm các vi phạm IUU, thậm chí xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng như đánh bắt vùng biển nước ngoài, gửi thiết bị VMS lên tàu cá khác,…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, việc kiểm soát hoạt động tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để chống khai thác IUU, góp phần gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC trong năm 2024.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

;
.