Hội đủ yếu tố thành trung tâm chuỗi cung ứng điện gió

Thứ Tư, 03/04/2024, 18:32 [GMT+7]
In bài này
.

Doanh nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu đã đón đầu xu thế phát triển điện gió, khẳng định tỉnh phải là trung tâm chuỗi cung ứng cho lĩnh vực này, không chỉ của Việt Nam mà còn ra thế giới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, Bà Rịa-Vũng Tàu có tiềm năng lớn trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng  gió ngoài khơi. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe lãnh đạo PTSC giới thiệu tổng quan khu căn cứ cảng,  bãi chế tạo thiết bị điện gió của DN.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, Bà Rịa-Vũng Tàu có tiềm năng lớn trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng gió ngoài khơi. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe lãnh đạo PTSC giới thiệu tổng quan khu căn cứ cảng, bãi chế tạo thiết bị điện gió của DN.

Đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư

Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) đang nhận thầu các dự án chế tạo chân đế trụ và trạm biến áp điện gió ngoài khơi cho các doanh nghiệp (DN) hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này tại châu Âu và Đài Loan (TQ).

Trong đó, có dự án chế tạo và cung cấp 33 chân đế trụ điện gió cho khách hàng với công nghệ tiên tiến lần đầu tiên được triển khai thực hiện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tính đến đầu năm 2024, tổng giá trị hợp đồng PTSC được trao thầu khoảng 1,5 tỷ USD bảo đảm việc làm đến năm 2027.

Trong chuyến làm việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu tháng 2/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, tỉnh có tiềm năng lớn trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng gió ngoài khơi, làm chủ các khâu thiết kế, chế tạo, vận chuyển, lắp đặt, lưu trữ điện năng, sản xuất nhiên liệu xanh.

Giữa tháng 3 vừa qua, tại KCN Phú Mỹ 1 (TX.Phú Mỹ), Công ty TNHH CS Wind Việt Nam khánh thành nhà máy tháp gió OFFSHORE với quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Ông Nguyễn Thế Kiện, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, sau 20 thành lập và phát triển, đến nay, CS Wind Việt Nam trở thành nhà cung cấp tháp gió đáng tin cậy, có danh tiếng hàng đầu và được nhiều đối tác lớn trên thế giới tin tưởng. 

Theo ông Kiện, năm 2023, do biến động của kinh tế thế giới nên số lượng đơn hàng giảm, nhưng xác định xu hướng thế giới, chiến lược phát triển nguồn năng lượng điện gió của Việt Nam, DN vẫn quyết định đầu tư xây dựng thêm nhà máy tháp gió với tổng vốn đầu tư hơn 70 triệu USD, công suất 120 ống/tuần. Trong đó, ống có đường kính tối đa 10m (nhà máy cũ sản xuất ống có đường kính tối đa 7-7,5m), trọng lượng khoảng 450 tấn/ống. “Đường kính lớn và chiều cao mỗi ống có thể tương đương ngôi nhà 3 tầng là những tháp gió đáp ứng được yêu cầu của mọi dự án điện gió quy mô lớn hiện nay trên thế giới”, ông Kiện khẳng định.

DN tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang sản xuất được sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của các DN điện gió hàng đầu thế giới.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CS Wind Việt Nam (TX.Phú Mỹ).
DN tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang sản xuất được sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của các DN điện gió hàng đầu thế giới. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CS Wind Việt Nam (TX.Phú Mỹ).

Gió ngoài khơi đang chờ khai thác

Không chỉ dừng ở mức nhà thầu, các DN tham gia trong lĩnh vực sản xuất điện gió ngoài khơi đang hướng đến mục tiêu trở thành chủ đầu tư các “trang trại” điện gió đẳng cấp thế giới.

Đầu tháng 3 vừa qua, tại TP.Vũng Tàu, đoàn công tác của chính phủ Singapore và Sembcorp Utilities Ltd (SCU), DN đối tác đã làm việc với PTSC về dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất sang quốc gia này. Tại buổi làm việc, đại diện PTSC và SCU đã trao đổi, đưa ra lộ trình cụ thể từ khâu khảo sát, phương án đầu tư để sản xuất và xuất khẩu khoảng 1,2 GW điện sạch sang Singapore thông qua tuyến cáp ngầm cao áp dưới biển.

PTSC là DN đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ TN-MT cấp phép triển khai đầy đủ các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Trong đó, vùng khảo sát là khu vực biển Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hiện nay, các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam chưa thể triển khai do vướng mắc về cơ chế. Để tháo gỡ, Bộ Công thương đang rà soát toàn diện những khó khăn, thiếu sót tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, trường hợp cần thiết có thể đề xuất xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi.

Theo Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW. Do đó, tiềm năng của ngành sản xuất thiết bị phục vụ cho các dự án điện gió là cực lớn. Đáng chú ý, Bà Rịa-Vũng Tàu hội đủ các yếu tố để trở thành trung tâm chuỗi cung ứng không chỉ của Việt Nam mà còn trên thế giới.

Việc phát triển và hình thành chuỗi cung ứng nội địa không chỉ tạo điều kiện cho DN phát triển, mà còn xây dựng cơ sở cho việc giảm giá thành nguồn và cũng là động lực chính cho việc sản xuất hydrogen xanh, đóng góp việc giảm dần và thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các nhà máy nhiệt điện.

Một lợi thế lớn của tỉnh là có nhiều nhà máy thép của các DN lớn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty CS Wind và PTSC, hiện số thép làm nguyên liệu sản xuất chủ yếu vẫn phải nhập khẩu từ châu Âu, Trung Quốc. Do đó, cuối năm 2023, UBND tỉnh phối hợp với PTSC tổ chức hội nghị kết nối chuỗi cung ứng vật tư sản xuất cho các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi. Tại đây, các DN sản xuất thép của tỉnh đều thể hiện quyết tâm đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia vào chuỗi cung ứng đang dần hình thành.

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
;
.