Khẳng định sức hút đầu tư nhờ hạ tầng tốt, môi trường thuận lợi

Thứ Sáu, 29/03/2024, 20:37 [GMT+7]
In bài này
.

Thu hút đầu tư luôn là điểm sáng, “góp công” lớn vào thành tựu kinh tế-xã hội tỉnh. Theo Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thu hút vốn đầu tư thành nguồn lực đưa Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển đột phá, toàn diện và bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm.

Dự án hóa dầu miền Nam. Ảnh: NGỌC KHỞI
Dự án hóa dầu miền Nam. Ảnh: NGỌC KHỞI

Thu hút gần 400 ngàn tỷ đồng và hơn 33 tỷ USD

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) là một trong những dự án FDI nổi bật không chỉ của Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn là của cả nước. Từ năm 2018, sau khi dự án được tái cơ cấu, Tập đoàn SCG (Thái Lan) trở thành nhà đầu tư duy nhất và quyết định tăng vốn từ 3,7 tỷ USD lên 5,1 tỷ USD, biến đây trở thành dự án vốn FDI Thái Lan lớn nhất vào Việt Nam.

Sau hơn 5 năm thi công, dự án đang vận hành thử nghiệm. Tiến độ này được xem là một “kỳ tích”, thể hiện nỗ lực rất lớn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà đầu tư cùng sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương.

Ông Kulachet Dharachandra, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, DN có gần 1.000 nhân sự làm việc, trong đó 80% là người Việt Nam. Thời gian qua, công ty đã chi hơn 2 triệu USD đào tạo chuyển giao phương thức, gia tăng tỷ trọng nhân sự trong nước trong giai đoạn vận hành chính thức. Khi đi vào hoạt động ổn định, nhà máy sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn polyolefin (nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa) tạo ra doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD/năm và sẽ đóng thuế cho Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 150 triệu USD/năm.

Ngoài các dự án đã triển khai và mang lại hiệu quả cao, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiếp tục thu hút các dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại.

Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Bắc Kinh (Trung Quốc) là DN đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm 2024, với tổng số vốn khoảng 278 triệu USD. Mục tiêu của dự án sau khi hoàn thành là lắp ráp và sản xuất màn hình máy vi tính (MNT) sản lượng 7 triệu chiếc/năm; lắp ráp và sản xuất tivi 3 triệu chiếc/năm; sản xuất bảng giá điện tử (ESL) 40 triệu chiếc/năm; sản xuất mô-đun bảng giá điện tử (ESL) 20 triệu chiếc/năm; sản xuất cấu kiện nhựa 20 triệu chiếc/năm; sản xuất bo mạch SMT 44,75 triệu chiếc/năm...

Đó chỉ là 2 trong số nhiều dự án nổi bật, hứa hẹn đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo Sở KH-ĐT, chỉ trong trong quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút thêm 1,5 tỷ USD và 25 ngàn tỷ đồng vốn trong nước. Như vậy, đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút hơn 33 tỷ USD vốn FDI (của gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ) và gần 400 ngàn tỷ đồng vốn trong nước. Nguồn lực này đã góp phần quan trọng vào thành tựu kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian qua, trong đó nổi bật là chỉ số GRDP/người luôn đứng đầu cả nước.

Đua ngựa là hoạt động thể thao mới tại The Grand Ho Tram. Ảnh: MỸ LƯƠNG
Đua ngựa là hoạt động thể thao mới tại The Grand Ho Tram. Ảnh: MỸ LƯƠNG

Tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư

Một trong những điểm khiến Bà Rịa - Vũng Tàu rất có "sức hút" với các nhà đầu tư mới, đó là tỉnh luôn tích cực hỗ trợ, tạo môi trường sản xuất-kinh doanh thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hiện hữu. Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, xác định được nhiệm vụ trên, ngành công thương luôn đồng hành, hỗ trợ DN thực hiện thủ tục hành chính về các loại giấy phép; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ DN như miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, tiếp cận vốn tín dụng, cấp phép lao động…

Sở Công thương đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ hỗ trợ các DN trong lĩnh vực công nghiệp, như: tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nhằm góp phần kích cầu tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh (sắt thép, cấu kiện kim loại, năng lượng điện…); đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công các dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.

Còn ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH-ĐT khẳng định, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, với mục tiêu tạo ra môi trường, hệ sinh thái kinh doanh tốt nhất cho DN, nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Tổ công tác đặc biệt 997 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ làm tổ trưởng định kỳ họp vào thứ Năm hàng tuần, đến nay giải quyết gần 30 khó khăn, vướng mắc cho DN là minh chứng cho quyết tâm của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng và nội tỉnh, với nhiều tuyến đường đang được triển khai như: Đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT 994), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An...; đường vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh. Các tuyến đường này hình thành sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn cho tỉnh và tăng sức hút của Bà Rịa - Vũng Tàu với các nhà đầu tư.

Tỉnh cũng có các giải pháp phát triển hệ thống trung tâm logistics và cảng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải; triển khai Đề án phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại Phú Mỹ; xây dựng chiến lược phát triển du lịch tại khu vực ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu và huyện Côn Đảo… Cùng với đó, tỉnh đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề; tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh… Đây cũng chính là những điểm nhấn phát triển được nêu trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX. Phú Mỹ) đã thu hút được nhiều dự án sử dụng công nghệ hiện đại, vốn đầu tư lớn.  Ảnh: PHÚ XUÂN
KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX. Phú Mỹ) đã thu hút được nhiều dự án sử dụng công nghệ hiện đại, vốn đầu tư lớn. Ảnh: PHÚ XUÂN

Hút nguồn lực “đẳng cấp” 

Trong hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh vừa qua, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhận định, Quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt là kim chỉ nam để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các định hướng phát triển chiến lược trong thời gian tới.

Trong quy hoạch này, tỉnh xác định rõ 4 vùng chức năng, 3 trục kinh tế động lực nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từ đó tập trung đầu tư và thu hút đầu tư 4 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển và logistics, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

“Đẳng cấp” là từ được nhắc nhiều trong quy hoạch tỉnh, là đích đến phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương của Bà Rịa - Vũng Tàu. Muốn phát triển đẳng cấp, ngoài “thiên thời, địa lợi” mà tỉnh đang sở hữu, thì nguồn lực để thực hiện cũng phải đẳng cấp. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn từ các DN lớn trên thế giới có vai trò đặc biệt quan trọng.

Tại hội nghị triển khai Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh được tổ chức sáng 30/3, ngoài trao giấy chứng nhận và quyết định đầu tư cho 14 dự án, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố danh mục 92 dự án xúc tiến, thu hút đầu tư từ nay đến năm 2030. Đây là các dự án có quy mô lớn, đóng vai trò quyết định đến sự phát triển toàn diện, bền vững với tầm nhìn dài hạn của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Tỉnh luôn mong muốn hợp tác, cùng phát triển với các nhà đầu tư và luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ DN tạo ra “Đột phá mới - Cơ hội mới - Giá trị mới” cho nhà đầu tư, góp phần tạo sự giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu thịnh vượng”.

HÀN GIANG

 
;
.