.

Nhiều chính sách hỗ trợ hạ tầng liên kết trong chăn nuôi

Cập nhật: 09:11, 19/12/2023 (GMT+7)

Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng phục vụ chuỗi liên kết cũng được triển khai...

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CHĂN NUÔI AN TOÀN

Trang trại heo Trang Linh được xây dựng và hoạt động từ năm 2002 tại tổ 8, ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc trên diện tích 70ha, trong đó 25ha sử dụng để chăn nuôi heo. Trang trại hiện nuôi hơn 38.000 con heo, trong đó có 35.000 con heo thịt và 3.000 con heo nái, ứng dụng quy trình khép kín trong chuồng lạnh với thiết kế một nửa sàn xi măng, một nửa là đệm lót sinh học; xử lý chất thải lỏng màng BioGill trong chuồng; tự động hóa cho heo ăn... 

Hệ thống chuồng trại của HTX chăn nuôi heo Hòa Hiệp được đầu tư thông thoáng, sạch sẽ.
Hệ thống chuồng trại của HTX chăn nuôi heo Hòa Hiệp rất thông thoáng, sạch sẽ.

Theo anh Phạm Văn Lâm, Quản lý trại heo th trịt, trangại heo Trang Linh, việc đầu tư hạ tầng khu vực chăn nuôi bài bản, khoa học giúp đem lại hiệu quả, lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường khi chăn nuôi heo. Đó là giúp DN giảm được các chi phí đầu vào như điện, nước, xử lý chất thải; giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắc các bệnh truyền nhiễm; tăng chất lượng và sản lượng đàn.

Ngoài ra, trang trại thay thế mái tôn lạnh bằng mái nhựa PVC. Từ đó, việc kiểm soát tiểu khí hậu trong chăn nuôi dễ hơn. Sức khỏe của đàn heo cũng được đảm bảo. Ngoài ra, trang trại cũng thay thế tấm làm mát cooling pad bằng tấm lọc nhựa, giá thành thấp (chỉ bằng 50% so với giấy lọc nhựa).

Còn tại trang trại heo của ông Phạm Xuân Hùng (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) là một trong những trang trại nuôi heo áp dụng chăn nuôi chuồng lạnh, với quy mô 5.000 con, diện tích chuồng trại khoảng 7.000m2

Các chuồng nuôi heo được xây dựng khép kín, hệ thống máy lạnh, quạt gió được duy trì nhiệt độ ổn định, ở mức 27oC, hệ thống xử lý chất thải bảo đảm thu dọn sạch, khử mùi tốt. Với phương pháp chăn nuôi chuồng lạnh, heo tăng trọng nhanh, ít bệnh, tiết kiệm được chi phí thuốc men, thức ăn, nhân công do hệ thống cho ăn tự động. Nhờ đó, thời gian nuôi được rút ngắn, chất lượng của thịt heo đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận tăng lên khoảng 10% so với mô hình nuôi truyền thống.

NHIỀU CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Việc đầu tư hạ tầng đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi đã tạo thành quy trình tuần hoàn khép kíp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả. Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, ngành NN-PTNT, các địa phương đã xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi, cân đối các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các chủ thể, người dân đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi tập trung.

Hệ thống chuồng trại của trang trại heo Trang Linh được đầu tư thông thoáng, sạch sẽ.
Hệ thống chuồng trại của trang trại heo Trang Linh được đầu tư thông thoáng, sạch sẽ.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để hỗ trợ các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, trên cơ sở Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi như Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các quyết định xây dựng chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi… Trong đó ngoài hỗ trợ xây dựng các mô hình còn có các chính sách hỗ trợ về đầu tư hạ tầng trong chăn nuôi.  

Thời gian tới, ngành NN-PTNT sẽ tiếp tục triển khai các quy định trong Nghị định 98, các quy định của tỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế... Trong đó, sẽ tập trung rà soát các DN, HTX trên địa bàn tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới; hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, kho tàng, nhà xưởng chế biến... nhằm nâng cao giá trị gia tăng phục vụ hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu.

Đối với các hợp tác xã, tập trung hỗ trợ giống, vật tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống phân phối: siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, bếp ăn tập thể... Bên cạnh những hỗ trợ từ Nhà nước, các DN, HTX cũng phải xác định được vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 

Theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, điều kiện và mức hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đối với dự án liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án liên kết.

Hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện mô hình bao gồm, chi phí mua giống, thiết bị, vật tư thiết yếu cho các HTX, trang trại để xây dựng mô hình liên kết điểm nhưng không quá 1 tỷ đồng/mô hình.

Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã cho các bên tham gia liên kết: hỗ trợ xây dựng và đăng ký chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa (bao gồm tem truy xuất nguồn gốc điện tử): Hỗ trợ 20 triệu đồng/nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ 50% chi phí mua con giống, vật tư thiết yếu cho các hộ, trang trại tham gia chuỗi liên kết trong chăn nuôi, gồm: chăn nuôi gà (thương phẩm) 70 triệu đồng/chu kỳ sản xuất/10.000 con, liên kết chăn nuôi heo (thịt) 50 triệu đồng/chu kỳ sản xuất/100 con (không quá 3 chu kỳ sản xuất)…

 

 

 

.
.
.