Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị:

Hướng đi bền vững

Thứ Tư, 29/11/2023, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 3 năm được hỗ trợ từ Nghị quyết 21/NQ-HĐND của HĐND tỉnh,  đến nay, nhiều hộ nông dân, chủ trang trại và các HTX đã và đang phát triển ổn định, đem lại thu nhập khá cho nông dân.

Tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giúp nông sản nâng cao giá trị và phát triển bền vững.  Trong ảnh: Chăm sóc bưởi tết tại HTX Nông nghiệp Sông Xoài.
Tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giúp nông sản nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong ảnh: Chăm sóc bưởi tết tại HTX Nông nghiệp Sông Xoài.

Hình thành các chuỗi liên kết

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Châu Pha (TX.Phú Mỹ) được thành lập năm 2022, hiện có 40 thành viên. HTX chuyên trồng rau ăn lá trên tổng diện tích 20ha, sản lượng bình quân 4-5 tấn rau mỗi ngày, trong đó, 15ha vừa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Viết Tự, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Châu Pha cho biết, ngay khi thành lập, HTX được hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết giá trị trên cây rau màu và được hỗ trợ theo Nghị quyết 21 như: 100% chi phí nghiên cứu tư vấn xây dựng hợp đồng liên kết, 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị, các công trình hạ tầng; hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, phân bón…

Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm với các DN trong và ngoài tỉnh, trong đó có hệ thống Bách hóa Xanh, các bếp ăn của các trường học… Nhờ đó, rau sau thu hoạch của thành viên hiện được HTX bao tiêu toàn bộ với giá 6.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Tự,  các hỗ trợ từ Nghị quyết 21 đã giúp HTX có thêm trợ lực để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, khi kết nối chuỗi giá trị với các DN, đầu ra của sản phẩm được bảo đảm, thu nhập của hội viên tăng lên. Mặt khác, đây là tiền đề để HTX tiếp tục triển khai sản xuất rau theo hướng hữu cơ và nâng cao giá trị sản phẩm rau của HTX trên thị trường thời gian tới.

Hiện, HTX cũng đang chuyển đổi để sản xuất một số mặt hàng để xuất sang thị trường Nhật Bản, Đông Âu như ớt chỉ thiên trong nhà lưới và lá lốt trong nhà màng với diện tích thử nghiệm ban đầu khoảng 3.000m2.

HTX Bưởi da xanh Sông Xoài (TX.Phú Mỹ) có 120 thành viên canh tác trên diện tích 200ha, với tổng sản lượng 5.000 tấn/năm. Trong số này, có 15% diện tích đã đạt VietGAP. Ông Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc HTX Bưởi da xanh Sông Xoài cho biết, tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ tháng 9/2023 đến nay, 30 hộ thành viên HTX đã được hỗ trợ 77 tấn phân bón hữu cơ, vô cơ, vôi, thuốc bảo vệ thực vật… theo chính sách của Nghị quyết 21.

Nhờ đó, bà con mạnh dạn chuyển đổi sang canh tác theo hướng hữu cơ, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị thương hiệu bưởi Sông Xoài. Hơn nữa, đầu ra HTX cũng liên kết với các DN, thương lái nên bà con rất an tâm… Có vùng trồng ổn định, sản phẩm chất lượng, bà con nông dân tiếp tục phát triển vùng trồng bưởi để đem trái bưởi vươn xa hơn nữa ra thị trường thế giới.

Hay mô hình liên kết phát triển sản xuất bí đỏ lai F1 xuất khẩu tại huyện Châu Đức cũng là ví dụ điển hình. Mô hình được triển khai từ tháng 2/2023 với 19 hộ tham gia trên diện tích 17,5ha ở các xã: Bình Trung, Suối Rao, Đá Bạc, Nghĩa Thành, Quảng Thành, liên kết với Công ty TNHH Linh Đan (tỉnh Ninh Thuận) bao tiêu sản phẩm. Thực hiện liên kết, 1 ha bí đỏ, nông dân được hỗ trợ 50% chi phí (khoảng 17 triệu đồng) theo Nghị quyết 21.

Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, tính đến nay, tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết này là 9 mô hình, dự án, liên kết với tổng kinh phí hơn 24,7 tỷ đồng. Trong số đó có 5 dự án cấp tỉnh gồm: dự án liên kết của Công ty TNHH dịch vụ sản xuất ca cao Thành Đạt, mô hình liên kết điểm của HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long của HTX NNCNC Bà Rịa-Vũng Tàu, mô hình liên kết điểm sản xuất và tiêu thụ tôm thẻ chân trắng của HTX Chợ Bến; dự án liên kết tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ bưởi da xanh của HTX bưởi da xanh Hắc Dịch.

Tiếp tục hỗ trợ để phát triển các chuỗi liên kết

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ giúp người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, gia tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Một trong những chính sách đem lại hiệu quả đó là Nghị quyết 21.

Bà Trần Thị Kim Loan, Trưởng phòng Kinh tế TX.Phú Mỹ cho biết, nhằm giúp người dân tiếp cận chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 21, thời gian qua TX.Phú Mỹ đã triển khai tuyên truyền cho các địa phương, hướng dẫn các HTX, DN có nhu cầu và đủ điều kiện tham gia liên kết chuỗi. Tập trung tìm đầu ra liên kết tiêu thụ, hỗ trợ phân bón, vật tư nông nghiệp, máy móc, chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân từ nguồn ngân sách địa phương…

Theo ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, việc hỗ trợ cho các HTX theo Nghị quyết 21 giúp các HTX tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng chất lượng cho sản phẩm, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân; giúp việc liên kết giữa các HTX sản xuất sản phẩm và DN thu mua được bền vững, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng và có giá trị.

Từ đó, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Bài, ảnh: SONG BÌNH - NGỌC TOÀN

;
.