.

Quy hoạch đô thị biển phải có dấu ấn riêng

Cập nhật: 19:40, 10/11/2023 (GMT+7)

Các đô thị biển của tỉnh có ưu thế phát triển kinh tế biển với các ngành dầu khí, công nghiệp, hải sản và du lịch biển, đảo. Do đó, quy hoạch đô thị biển phải bền vững, hiệu quả và có dấu ấn riêng. Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã chia sẻ với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu khi nói về thực trạng, định hướng phát triển đô thị biển trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có bao nhiêu đô thị biển?

Ông Mai Trung Hưng: Bà Rịa-Vũng Tàu có chuỗi 3 đô thị ven biển đang giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội gồm: TP.Vũng Tàu, TT.Long Hải và TT.Phước Hải. Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu còn có Côn Đảo là vùng đô thị biển. Hiện nay, tỉnh đang lập 3 quy hoạch đô thị biển là Hồ Tràm, Bình Châu và Lộc An. Với quy hoạch này, dự kiến đến năm 2025 Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có 7 đô thị biển.

Việc phát triển các đô thị biển thời gian qua có những mặt tích cực và hạn chế gì?

- Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương kịp thời trong công tác lập quy hoạch, trong đó có quy hoạch đô thị biển. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách khách quan rằng các khu du lịch ven biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu chưa sống động, thiếu tiện ích du lịch và thiếu gắn kết cộng đồng. Người dân địa phương ít được thụ hưởng từ phát triển du lịch và ít được tham gia vào dịch vụ du lịch. 

Bà Rịa - Vũng Tàu cần phải xây dựng đô thị có bản sắc, dấu ấn riêng. Trong ảnh: Đô thị biển Phước Hải (huyện Đất Đỏ), một trong những đô thị biển đầu tiên của tỉnh.
Bà Rịa - Vũng Tàu cần phải xây dựng đô thị có bản sắc, dấu ấn riêng. Trong ảnh: Đô thị biển Phước Hải (huyện Đất Đỏ), một trong những đô thị biển đầu tiên của tỉnh.

Bên cạnh đó, quy hoạch không gian ven biển bị những dự án che kín, không có lối xuống biển. Một số quy hoạch đô thị biển còn manh mún, chưa có tính đặc trưng, đặc thù của từng khu vực, từng địa phương. Các nhà đầu tư lớn đã và đang tập trung đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu, từng ngày làm thay đổi bộ mặt địa phương, trong đó có các đô thị biển. Tuy nhiên, một số dự án đang sao chép kiến trúc từ các dự án ở các địa phương khác, làm cho kiến trúc thiếu đặc trưng, không mang tính bản địa, tính đặc sắc, dễ bị nhàm chán…

Hiện nay, một số công trình kiến trúc ven biển Hồ Tràm, Phước Hải na ná  Phan Thiết, Phú Quốc, Đà Nẵng… Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi cũng đã từng đưa ra câu hỏi này tại các cuộc hội thảo về quy hoạch đô thị. Nhiều người cho rằng đó là phong cách của nhà đầu tư. Nhưng về cá nhân, tôi không ủng hộ những kiến trúc sao chép dọc theo các mặt tiền biển. Quy hoạch đô thị biển Bà Rịa-Vũng Tàu cần phải có màu sắc riêng, đặc trưng và đặc thù, không thể lẫn với Phú Quốc hay Đà Nẵng. Do đó, các kiến trúc ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu không thể sao chép máy móc từ các đô thị khác. Còn nếu có, đó là những quần thể riêng, khu du lịch riêng, bố trí trọn vẹn trong không gian riêng của chủ đầu tư.

Theo ông, các đô thị biển phải phát triển như thế nào để vừa tạo được dấu ấn riêng của từng đô thị vừa hài hòa với phát triển kinh tế địa phương?

- Thời gian qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đã đi đúng định hướng phát triển hành lang kinh tế du lịch đối với các đô thị ven biển của tỉnh. Các đô thị biển của tỉnh đều đã có quy hoạch định hướng, quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, chi tiết để quản lý đầu tư và phát triển; phân vùng rõ ràng khu đô thị, khu du lịch phục vụ cho phát triển đô thị và du lịch... Trong đó, Côn Đảo đã có đầy đủ các loại quy hoạch, quy định quản lý để phát triển tương đối chặt chẽ.

Trong tương lai, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phát triển thêm các đô thị biển như: Hồ Tràm, Bình Châu, Lộc An và toàn bộ Côn Đảo sẽ phát triển thành đô thị biển đảo. Theo đó, đô thị Hồ Tràm là đô thị du lịch ven biển của tỉnh và huyện Xuyên Mộc; là trung tâm kinh tế dịch vụ, du lịch và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, hướng đến hình thành đô thị loại V trong giai đoạn 2025 và đến 2030.

Lộc An mang tính chất là khu dân cư tập trung và các khu chức năng đô thị kinh tế ven biển như: Dịch vụ du lịch, dịch vụ sản xuất, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nên dự kiến sẽ phát triển thành đô thị loại V. Bình Châu là trung tâm thương mại dịch vụ du lịch tầm cỡ quốc tế của huyện Xuyên Mộc và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là một đô thị có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng. Côn Đảo được định hướng trở thành là đô thị loại V, là khu du lịch quốc gia; bảo vệ chủ quyền biển đảo; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử; hoàn thiện hệ thống hạ tầng gắn với quốc phòng an ninh; phát triển các cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch hiện đại, bản sắc.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng đang rà soát lại tất cả các đô thị để lập quy hoạch chung, đồng thời ban hành quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn, từng đô thị để định hướng và có những quản lý kiến trúc mang tính đặc thù.

Xin cảm ơn ông!

QUANG VŨ

(Thực hiện)

.
.
.