.

Côn Đảo đồng lòng giảm rác thải nhựa

Cập nhật: 19:17, 23/10/2023 (GMT+7)

Giảm ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề được người dân, các đơn vị và cộng đồng DN tại huyện Côn Đảo quan tâm. Tất cả đang đồng lòng vì một Côn Đảo xanh, sạch, đẹp.

Khách chọn mua sản phẩm từ mô hình cửa hàng không rác thải  ở Côn Đảo.
Khách chọn mua sản phẩm từ mô hình cửa hàng không rác thải ở Côn Đảo.

Cửa hàng, trường học không rác thải nhựa

Từng ghé thăm và mua sắm tại cửa hàng bánh quy hạt bàng Hani ở khu dân cư số 5, bà Trần Minh Châu (du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh) khá thích thú.

Đến đây, bà mua được các vật dụng thân thiện môi trường như: chén, đĩa, muỗng làm từ mo cau; ống hút gạo, túi rác tự hủy sinh học, đồ thủ công mỹ nghệ làm từ vải thừa, hương hồng hạc làm từ rễ cỏ thiên nhiên… “Tôi ấn tượng với việc khách hàng phải mang chai, lọ đến để mua các loại chất tẩy rửa hữu cơ như: nước rửa tay, rửa chén, lau sàn… nhằm tạo ý thức tái sử dụng đồ nhựa nhiều lần. Nhân viên cửa hàng còn hướng dẫn tôi có thể dùng chất thải của nước tẩy rửa này sau khi sử dụng để tưới cây, trồng rau theo hướng tuần hoàn, an toàn cho môi trường”, bà Châu nói.

Cửa hàng bánh quy hạt bàng Hani được UBND huyện Côn Đảo thí điểm xây dựng cửa hàng “zero waste shop” (cửa hàng không rác thải) từ cuối tháng 4/2023. Mô hình này nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, hướng tới mục tiêu xây dựng Côn Đảo trở thành điểm đến giảm nhựa trong tương lai.

Để triển khai mô hình này, huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Giải pháp năng lượng và môi trường toàn cầu Việt Nam-VNGE thực hiện. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, cố vấn cấp cao của VNGE cho biết, đây là mô hình kinh doanh phi lợi nhuận mà DN hướng tới vì cộng đồng, chung tay bảo vệ môi trường Côn Đảo.

Trước đó, mô hình không rác thải nhựa đã được các hộ gia đình và trường học trên địa bàn huyện áp dụng. Bà Phạm Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường MN Sen Hồng cho biết, từ năm 2021, trường đã phát động phong trào “Trường học không rác thải nhựa”. Phong trào nhằm giáo dục trẻ cũng như nâng cao ý thức về sự nguy hại của rác thải nhựa, giảm sử dụng và chung tay thu gom, phân loại, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trong GV, nhân viên và phụ huynh. Hàng năm, các thầy cô trong trường đã làm đồ chơi dùng trong dạy học và trang trí nhà trường, hình thành ngân hàng đồ chơi với hàng trăm loại mà nguyên liệu là rác thải nhựa.

Tại Trường THCS Lê Hồng Phong, bên cạnh việc triển khai phân loại rác tại trường, thực hiện lớp học không rác thải nhựa, nhà trường còn xây dựng mô hình căn tin xanh, thay đổi dụng cụ ăn uống bằng nhựa dùng 1 lần sang các sản phẩm sử dụng nhiều lần hoặc sản phẩm thân thiện với môi trường. Trường đặt mục tiêu giảm thiểu 30% rác thải nhựa dùng 1 lần vào cuối năm học.

Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Côn Đảo ước tính mỗi năm khoảng 4.000 tấn, trong đó có 634 tấn rác thải nhựa, chiếm 15,86%. Các nguồn phát sinh rác thải nhựa chính theo thứ tự từ cao đến thấp là: hộ gia đình (42,7%), khách sạn (33,3%), nhà hàng (8,2%), chợ dân sinh (6,4%), nơi công cộng (6,4%), cảng cá (2,1%), cơ quan (0,8%).
Tỷ lệ thu gom rác thải nhựa của Côn Đảo là 98%, trong đó 92% được thu gom bởi hệ thống dịch vụ công cộng, 6% được thu gom qua các đơn vị, cá nhân thu mua và nhặt phế liệu.

 

Hướng đến không rác thải nhựa vào năm 2030

Theo đánh giá của UBND huyện Côn Đảo, các hoạt động giảm rác thải nhựa của DN và trường học đã góp phần lan tỏa tới gia đình và cộng đồng xã hội. Mục tiêu huyện hướng tới là thay đổi ý thức, hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong người dân và du khách. UBND huyện đã chỉ đạo lồng ghép chủ đề về ô nhiễm rác thải vào nội dung giáo dục ở các cấp học thông qua các bộ tài liệu và tập huấn cho GV, HS.

Cùng với DN và trường học, UBND huyện Côn Đảo cũng phát động phong trào giảm rác thải nhựa và triển khai phân loại rác thải tại nguồn trong cộng đồng dân cư và các thành phần kinh tế-xã hội. Huyện đã ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, ký kết chương trình “Côn Đảo-Điểm đến giảm nhựa” với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam), trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” giai đoạn 2020-2024 do WWF-Đức tài trợ. UBND huyện Côn Đảo cũng đã tham gia mạng lưới đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu.

Học sinh Trường MN Sen Hồng (huyện Côn Đảo) thiết kế và trang trí tranh làm từ rác thải nhựa.
Học sinh Trường MN Sen Hồng (huyện Côn Đảo) thiết kế và trang trí tranh làm từ rác thải nhựa.

Các mục tiêu Côn Đảo cam kết gồm giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025, hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, đồng thời ghi tên mình trở thành đô thị thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu.

“Chúng tôi còn đặt mục tiêu loại bỏ hiệu quả rác thải nhựa trong Khu bảo tồn biển để Côn Đảo trở thành huyện đảo tiên phong trong việc thực hiện các sáng kiến và cam kết về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bên cạnh đó, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua công tác tăng cường hoạt động phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa một cách hiệu quả phù hợp với các chính sách và kế hoạch hành động hiện có của tỉnh và quốc gia về quản lý rác thải nhựa”, ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

 
.
.
.