.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường

Cập nhật: 18:35, 04/10/2023 (GMT+7)

Đó là nhiệm vụ được đặt ra cho các cấp, các ngành trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) có xu hướng gia tăng, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội và môi trường như hiện nay.

Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH dẫn đến mưa nhiều, ngập lụt, sạt lở cửa sông, ven biển,... gia tăng.  Trong ảnh: Cán bộ Công ty CP Khoa học-Công nghệ Việt Nam đo mực nước trong hồ Bàu Sen  sau trận mưa to trên địa bàn TP.Vũng Tàu.
Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH dẫn đến mưa nhiều, ngập lụt, sạt lở cửa sông, ven biển,... gia tăng. Trong ảnh: Cán bộ Công ty CP Khoa học-Công nghệ Việt Nam đo mực nước trong hồ Bàu Sen sau trận mưa to trên địa bàn TP.Vũng Tàu.

Vẫn còn nhiều thách thức

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo “Công tác tham mưu, định hướng về chủ động thích ứng với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT)”, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp tổ chức sáng 4/10, ông Võ Thanh Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, triển khai thực hiện yêu cầu của Nghị quyết Trung ương và Chỉ thị của Ban Bí thư, các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

Từ đó nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và cộng đồng; hình thành ý thức trách nhiệm và kỹ năng thích ứng với BĐKH, tiết kiệm tài nguyên và BVMT; góp phần phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng đã đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng.

BĐKH vẫn là vấn đề có tính thách thức toàn cầu, đặc biệt là với các nước đang phát triển như Việt Nam. Trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong các tỉnh, thành phố ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét về BĐKH, tác động của nước biển dâng, xâm nhập mặn với gây sạt lở, xâm nhập mặn, bồi lấp luồng lạch tại các cửa sông, ven biển… Từ đó tác động mạnh đến các vùng, các địa phương, các lĩnh vực kinh tế, nhất là lĩnh vực tài nguyên môi trường, du lịch và đời sống của người dân.

Ông Lê Văn Lâm, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định, nhận thức được nguy cơ rủi ro, thách thức của BĐKH tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh, thời gian qua các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm đến công tác ứng phó với BĐKH. Cụ thể, ngày 27/10/2016, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 49-KH/TU về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT”; ngày 5/10/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3070/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050…

Giai đoạn năm 2018-2022, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền BVMT trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động hưởng ứng các sự kiện truyền thông về môi trường hằng năm. Ngành TN-MT đã chủ động, thường xuyên phối chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền về công tác quản lý, BVMT, BĐKH… Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở các chuyên mục, chuyên trang, các diễn đàn để thông tin, tuyên truyền sâu sắc, sinh động về đề tài môi trường.

Thông tin tại hội thảo, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng như: nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác BVMT được nâng cao; công tác quản lý, kiểm soát các nguồn thải đã được tăng cường; nguồn nước cấp đã được bảo vệ nghiêm ngặt, chặt chẽ, bảo đảm an toàn; hạ tầng kỹ thuật về xử lý chất thải đã được đầu tư cải thiện, tạo điều kiện chủ động trong việc giải quyết, xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh; các bệnh viện, trung tâm y tế được đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng… Vì vậy, năm 2020, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 1 trong 5 địa phương cả nước được Bộ TN-MT xếp hạng ở mức tốt. Năm 2021, tỉnh xếp thứ 2 trên 63 tỉnh, thành cả nước.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiện, Phó Tổng Biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, mỗi năm, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đăng, phát khoảng 250 tin, bài, video clip, 500 ảnh về chủ đề ứng phó với BĐKH, BVMT. Ông Nguyễn Văn Tiện khẳng định, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục duy trì chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chống BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT. Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền phòng chống BĐKH đạt hiệu quả, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, Bộ TN-MT, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng, cập nhật thông tin, kiến thức mới cho phóng viên, biên tập viên về chống BĐKH, BVMT. Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về BĐKH thường xuyên trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

Chủ động tham mưu, quản lý

Phát biểu định hướng tại hội thảo, ông Hoàng Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, nhiều năm qua, BVMT, tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách về BVMT, ứng phó với BĐKH đã được ban hành đáp ứng những vấn đề thực tiễn đặt ra, trong đó có Nghị quyết số 24.

Trong các nội dung của Nghị quyết, nhóm giải pháp đầu tiên được xác định để thực hiện thành công các mục tiêu về tài nguyên, môi trường, BĐKH là “Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và BVMT”.

Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập rộng rãi trong toàn thể các cấp ủy, tổ chức đảng; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung của nghị quyết cũng như nhiều kết quả quan trọng trong quá trình thực hiện.

Ở góc độ quản lý đô thị, ông Khải Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, để ứng phó với BĐKH các chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định, khi nghiên cứu lập, điều chỉnh, thẩm định các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư phải đảm bảo tỷ lệ cây xanh, mặt nước của đô thị, tăng cường sử dụng các giải pháp thấm nước trên mặt bằng đô thị như thảm cỏ, gạch lỗ, hạn chế bê tông hóa ở những diện tích không thực sự cần thiết.

Trong khi đó, theo ông Đặng Sơn Hải, việc bảo vệ vùng bờ có tầm quan trọng hàng đầu và có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. Do đó, vùng bờ cần phải được tiếp cận xem xét như là một tổng thể không gian thống nhất không thể chia cắt bao gồm vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ. Để phù hợp với xu hướng chung và để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra, phạm vi không gian khu vực vùng bờ cần được quy định thống nhất điều chỉnh bằng pháp luật riêng.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.