Doanh nghiệp cảng tăng cường liên kết với các hãng tàu

Thứ Hai, 24/07/2023, 19:09 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, các cảng tại Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) đã có tốc độ phát triển  nhanh. Để có được kết quả này, nhiều DN cảng đã tăng cường liên doanh, liên kết với các hãng tàu.

Tàu MSC cập cảng SSIT.
Tàu MSC cập cảng SSIT.

Liên kết với hãng tàu hàng đầu thế giới

Đầu tháng 7/2023, MSC - một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới mở tuyến dịch vụ mới Shikra qua cảng container quốc tế cảng Sài Gòn - SSA (SSIT). Tuyến dịch vụ mới kết nối Việt Nam với các cảng lớn Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác. Như vậy, tại cụm cảng CM-TV, SSIT là cảng được hãng tàu container lớn nhất thế giới MSC lựa chọn làm hàng. Điều này mang tới nhiều cơ hội cho cảng biển khi các tuyến dịch vụ được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường châu Á và mang lại sự linh hoạt hơn cho các khách hàng trên toàn thế giới.

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, cảng quốc tế Gemalink đã khai thác 2 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu, là một trong những cảng biển phát triển nhanh nhất hiện nay.

Tháng 4/2023, Gemalink đã chính thức đạt 2 triệu TEU thông qua cảng chỉ sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, lập kỷ lục mới trong ngành khai thác cảng Việt Nam.  Để đạt được kết quả này, ngoài những yếu tố khách quan, Gemalink còn là liên doanh giữa Công ty CP Gemadept và CMA Terminals (thuộc Tập đoàn hàng hải Pháp CMA-CGM). Theo đó, Gemalink cũng vừa đưa vào khai thác thêm tuyến dịch vụ FAL3 (French Asia Line 3) trên tàu mẹ APL TEMASEK. Đây là tuyến dịch vụ thứ tư, cũng như là một trong những tuyến dịch vụ lớn và quan trọng bậc nhất mà hãng tàu CMA CGM giao cho Gemalink.

Tương tự, cảng Quốc tế Tân cảng - Cái Mép (TCIT), là liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với 3 đối tác gồm hãng tàu MOL (Nhật Bản), Wan Hai (Đài Loan) và Hanjin (Hàn Quốc). Có 3 hãng tàu lớn chủ đạo cùng liên doanh, liên kết đã tạo những bước đà cho TCIT ngày càng phát triển mạnh mẽ trở thành cảng  có tổng số tuyến dịch vụ nhiều nhất tại khu vực với lịch dài hạn từ 9 – 12 tuyến/ tuần, trong đó có các tuyến kết nối Việt Nam đến khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Nội Á, tăng trưởng trung bình về sản lượng đạt khoảng 27%/năm; luôn giữ vững vị trí đứng đầu khu vực CM-TV với thị phần chiếm gần 60% và liên tục là cảng có sản lượng thông qua đứng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau cảng Tân Cảng - Cát Lái.

Trong khi đó, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là sự bắt tay của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cảng Sài Gòn và APM Terminal. APM Terminals là một trong những nhà khai thác cảng container lớn nhất thế giới thuộc Tập đoàn AP Moller-Maersk. Nhờ hãng tàu Maersk là “người nhà”, trong 5 năm qua, cảng có những bước phát triển ấn tượng khi tiếp nhận khoảng 2.000 chuyến tàu mẹ quốc tế cập cảng trên các tuyến dịch vụ đi Mỹ, châu Âu và châu Á. Trong đó, phần lớn là các tàu trọng tải từ 132.000 DWT trở lên. Sản lượng xếp dỡ riêng cho tàu mẹ đạt gần 5 triệu TEU. Các hãng tàu, liên minh hãng tàu cũng đưa thêm nhiều tuyến dịch vụ tàu mẹ vào khai thác tại cảng.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Theo ông  Trần Khánh Hoàng,  Phó Chủ tịch Hiệp hội cảng biển Việt Nam, việc cảng biển liên doanh với hãng tàu là một trong những phương án phát triển bền vững nhất và thành công nhất của các DN. Khi có hãng tàu đứng sau, cảng biển có rất nhiều lợi thế. Hãng tàu không chỉ đưa tàu và sản lượng hàng hóa vào, còn đưa các hãng tàu trong liên minh hãng tàu của họ vào. Có tàu và sản lượng hàng container là điều bảo đảm chắc chắn nhất cho cảng biển.

Ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch Cảng Quốc tế Gemalink cho biết, nếu cảng biển có cổ phần của hãng tàu sẽ an tâm về nguồn hàng. Đơn cử như giai đoạn 1 của cảng Gemalink được đưa vào khai thác vào năm 2021, hãng tàu CMA - CGM đã rút các tuyến từ  CMIT và SSIT về Gemalink. CMA - CGM là một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới. Kết quả chỉ trong một thời gian ngắn, Gemalink đã bật lên nhanh chóng. Ngoài có nguồn hàng từ hãng tàu CMA-CGM, Gemalink còn được kỳ vọng hưởng lợi khi hãng tàu Pháp này có thể thuyết phục các hãng khác trong liên minh Ocean Alliance chuyển hàng hóa đang xếp dỡ ở nước khác đến Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các hãng tàu việc liên doanh, liên kết thành công là nhờ cụm cảng CM-TV có lợi thế là cụm cảng nước sâu hàng đầu khu vực, có cơ sở hạ tầng “mềm” và kết cấu hạ tầng sau cảng đồng bộ, phù hợp. Đây là yếu tố quan trọng để các cảng thu hút, liên kết được với nhiều tập đoàn vận tải biển, tập đoàn khai thác cảng lớn trên thế giới và thu hút được các hãng tàu hàng đầu thế giới đưa tàu ghé cảng.

Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc khai thác tàu và vận tải của Hãng tàu Maersk tại Việt Nam đánh giá, CM-TV là cửa ngõ xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam và cũng là điểm đến thu hút hàng trung chuyển quá cảnh. Từ năm 2021 đến nay, Maersk đã triển khai được các tàu thế hệ Triple E như Margrethe Maersk, Merete Maersk đến cảng CMIT và Gemalink và triển khai thêm 2 tuyến dịch vụ trực tiếp kết nối CM-TV với các cảng quan trọng tại Bắc Mỹ. Thời gian tới, hãng vẫn tiếp tục xem CM-TV là một trong những khu vực trọng điểm để thúc đẩy tăng trưởng.

Nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của CM-TV để có thể thu hút thêm nhiều hãng tàu, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, tỉnh  đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối để tăng tính kết nối cho các cảng tới những KCN, trung tâm kinh tế lớn ở phía Nam, phối hợp cùng các bộ, ngành triển khai đồng bộ các dự án giao thông mang tính liên kết vùng mà trung ương đã phê duyệt nhằm kết nối và phát huy thế mạnh, tiềm năng của các địa phương. Ngoài ra, tỉnh cùng các bộ, ngành trung ương cũng đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt kết nối từ KCN của các tỉnh lân cận tới cảng CM-TV, tạo lợi thế trong vận chuyển hàng hóa.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.