PHÁT TRIỂN CHỢ TRUYỀN THỐNG TRONG XU THẾ MỚI

Kỳ 1: Kinh doanh ế ẩm, tiểu thương đóng sạp

Chủ Nhật, 17/04/2022, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Chợ truyền thống từ lâu được coi là nét đẹp đặc trưng trong văn hóa - thương mại của người Việt. Thế nhưng, sự xuất hiện ngày càng nhiều kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... đã làm tăng áp lực cạnh tranh, giảm sức tiêu thụ các chợ truyền thống.

Đó là thực trạng đang diễn ra tại một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh trong vài năm gần đây, nhất là từ sau Tết Nhâm Dần 2022 đến nay.

Một loạt ô sạp kinh doanh trong nhà lồng chính chợ Vũng Tàu nghỉ bán, treo bảng sang sạp.
Một loạt ô sạp kinh doanh trong nhà lồng chính chợ Vũng Tàu nghỉ bán, treo bảng sang sạp.

Qua rồi thời ‘ vàng son”

Chục năm về trước, chợ Vũng Tàu là nơi buôn bán kinh doanh sầm uất. Người bán, người mua ra vào tấp nập trao đổi hàng hóa. Không chỉ người dân địa phương mà khách du lịch mỗi khi xuống Vũng Tàu cũng ghé chợ để tìm mua các loại hải sản tươi ngon, những món quà lưu niệm cho người thân, bạn bè. Tuy nhiên, vài năm gần đây, tình hình kinh doanh tại chợ ngày càng giảm sút, nhất là từ sau Tết Nhâm Dần 2022 đến nay.

Để nắm rõ về thực trạng này, phóng viên Báo BR-VT vừa có cuộc khảo sát tại chợ Vũng Tàu. Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp không ít cảnh các tiểu thương người thì ngồi lướt điện thoại, chỗ thì một nhóm ngồi tụm lại trò chuyện. Hỏi về sức mua dạo này thế nào, ai cũng lắc đầu, than ngắn thở dài. Dạo một vòng quanh chợ, từ khu kinh doanh hàng tươi sống cho đến hàng tạp hóa, mỹ phẩm, thời trang đều thưa thớt khách mua. Theo các tiểu thương, từ sau Tết Nguyên Đán 2022 đến nay, lượng khách hàng vào chợ giảm hơn một nửa so với trước đây.

Bà Nguyễn Thị Lan, bán quần áo tại chợ Vũng Tàu cho biết, trải qua 28 năm bán quần áo tại chợ nên bà đã chứng kiến hết sự đổi thay, thăng trầm. Bà Lan nhớ lại, trước đây, chợ Vũng Tàu rất đông đúc. Ngày thường đã bận rộn, cuối tuần càng túi bụi hơn vì đây là thời điểm khách du lịch đến tham quan, mua sắm nhiều. Để kịp hàng hóa bán cho khách vào sáng hôm sau, bà phải sắp xếp, chuẩn bị hàng hóa từ tối hôm trước. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây sau khi chợ được sửa chữa và sắp xếp lại, nhiều sạp hàng không còn ở vị trí cũ hoặc giảm quy mô buôn bán.  Sức mua tại chợ cũng giảm dần, nhất là từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.

Kinh doanh ế ẩm, tiểu thương chợ Đất Đỏ ngồi xem điện thoại giải trí cho qua thời gian.
Kinh doanh ế ẩm, tiểu thương chợ Đất Đỏ ngồi xem điện thoại giải trí cho qua thời gian.

“Mấy năm nay, mối lái mất dần, người đi chợ cũng thưa thớt nên mới ra cảnh đìu hiu. Chợ buồn và vắng khách làm ai cũng não nề, có hôm dọn hàng ra bán từ lúc mở cửa đến khi đóng cửa chẳng khách nào tới hỏi han. Chợ ế, sức mua kém, hàng hóa tồn đọng, tôi không biết có thể cầm cự được bao lâu”, bà Lan giọng lo lắng.

Cách đó vài sạp, chị Huỳnh Thị Hoa, tiểu thương bán quần áo cũng ngồi lướt điện thoại cho qua thời gian. Chị cho biết, trước đây việc buôn bán rất nhộn nhịp, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 2 triệu đồng nhưng nay ngày nào bán nhiều nhất cũng chỉ vài trăm ngàn đồng, có ngày không bán được món hàng nào.

“So với trước đây, chợ bây giờ ế ẩm, nhất là những mặt hàng như: thời trang, giày dép, mỹ phẩm, sức mua giảm đến 70%. Sau dịch mọi thứ càng khó khăn hơn nhưng tôi vẫn đang phải cố gắng cầm cự”, chị Hoa thở dài nói.

Không riêng chợ Vũng Tàu, hầu như chợ truyền thống nào trên địa bàn tỉnh cũng lâm vào cảnh vắng khách, đìu hiu. Chị Nguyễn Thị Bích, tiểu thương chợ Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ) cho biết, dù là chợ nông thôn nhưng trước đây khách đến chợ rất đông, chứ không như bây giờ chỉ lèo tèo vài người. Mà khách đến chợ ngày nay cũng chủ yếu là mua thực phẩm, rau củ, chứ mua quần áo, giày dép thì rất ít.

Khách không có, không bán được hàng nhưng tháng nào chị và các tiểu thương khác cũng phải lo đóng tiền mặt bằng, thuế, điện, trả lương nhân công. Cụ thể như sạp của chị mỗi tháng phải chi khoảng 20 triệu đồng, chưa kể tiền vốn, trừ các khoản chi phí tháng nào huề vốn hoặc lời chút đỉnh là mừng, doanh thu hiện nay chỉ bằng 1/10 so với trước.

“Như tui bán quần áo ở chợ cũng 12 năm rồi chưa khi nào thấy ế như bây giờ. Trước bán mười phần giờ chỉ bằng 1-2 phần. Dù biết vậy nhưng tôi vẫn cố gắng cầm cự, chỉ mong cơ quan nhà nước hỗ trợ giảm thuế cho tiểu thương”, chị Bích nói.

Đóng cửa, trả sạp

Sức mua ế ẩm, một số tiểu thương chọn cách cắt giảm nhân viên bán hàng, tiết kiệm chi phí để cố cầm cự kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương sau một thời gian dài không thể gắng gượng, đành phải đóng cửa ngừng kinh doanh hoặc trả mặt bằng do hết vốn hoặc đem hàng hóa về nhà bán để giảm chi phí. Việc chợ truyền thống vắng khách dẫn tới tình trạng sang nhượng hàng quán trong các chợ truyền thống ngày càng nhiều.

Ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cho thấy, tình trạng đóng cửa, trả mặt bằng kinh doanh lên đến 50% tổng số tiểu thương đăng ký kinh doanh tại chợ.

Ông Hoàng Văn An, Phó ban Quản lý chợ Vũng Tàu cho biết, chợ Vũng Tàu trước đây có khoảng 1.700 quầy sạp với 900 hộ tiểu thương kinh doanh thì hiện chỉ còn khoảng 400 hộ kinh doanh thường xuyên nhưng phần lớn cũng đang rơi vào tình trạng buôn bán ế ẩm.

Một loạt ô sạp kinh doanh trong nhà lồng chính chợ Long Tân nghỉ bán.
Một loạt ô sạp kinh doanh trong nhà lồng chính chợ Long Tân nghỉ bán.

Tương tự, ông Nguyễn Sơn Hà, Trưởng ban Quản lý chợ Long Tân (huyện Đất Đỏ) cũng cho biết, hiện nay chợ chỉ còn khoảng 50% tiểu thương buôn bán thường xuyên. Nguyên nhân tiểu thương đóng quầy trả mặt bằng hoặc treo bảng cho thuê sạp là do kinh doanh ế ẩm, không đủ chi phí để đóng tiền thuê mặt bằng, hoa chi, điện, nước. Nhiều tiểu thương mang hàng về bán tại nhà hoặc mang ra đường bán.

“Dù đã cố gắng một thời gian dài nhưng dịch bệnh, chi phí tăng mà không có khách đến mua sắm nên họ đành bỏ chợ chứ không ai muốn, vì ai cũng gắn bó với chợ từ lâu”, ông Hà nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

(Còn nữa)

;
.