Nhóm cổ phiếu dầu khí dẫn dắt thị trường

Thứ Hai, 07/06/2021, 20:49 [GMT+7]
In bài này
.

Bất chấp diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dòng tiền vẫn đổ mạnh vào thị trường chứng khoán, thanh khoản tăng mạnh, liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới. Sắc xanh lan tỏa khắp nhóm cổ phiếu (CP) với hàng loạt mã tăng trần, có những CP tăng mạnh trong nhiều phiên  liên tiếp, đạt mức cao nhất trong 2 tháng qua.

Cổ phiếu PV GAS đã có nhiều phiên tăng điểm liên tiếp. Trong ảnh: Người lao động PV GAS trên công trình khí.
Cổ phiếu PV GAS đã có nhiều phiên tăng điểm liên tiếp. Trong ảnh: Người lao động PV GAS trên công trình khí.

Theo các chuyên gia chứng khoán, một trong những yếu tố tạo lực đẩy cho nhóm CP dầu khí tăng mạnh trong thời gian qua là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu. Tính đến đầu giờ sáng ngày 7/6, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2021 đứng ở mức 69,53 USD/thùng, tăng 0,14 USD/thùng so với phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2021 đứng ở mức 72,01 USD/thùng, tăng 0,12 USD/thùng. Giá dầu ngày 7/6 duy trì đà tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường dầu thô đang có sự hỗ trợ mạnh bởi triển vọng cải thiện nhu cầu tiêu thụ lạc quan. Tồn kho dầu thô Mỹ giảm, nhu cầu dầu được dự báo tăng cao, có khả năng vượt cầu... là những nhân tố chính hỗ trợ giá dầu lần đầu vượt mức 72 USD trong 2 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng đã duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng được thêm thị phần và ký được hợp đồng dịch vụ mới.  

CP GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) tăng mạnh nhất. Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, GAS tăng thêm 3,51% lên 91.400 đồng/CP, ghi dấu 5 phiên tăng điểm liên tiếp trong tuần với tổng mức tăng hơn 11%, đạt mức giá cao nhất trong hơn 2 tháng qua. PV GAS là đơn vị chia cổ tức cao nhất trong ngành dầu khí năm 2020, với mức chia bằng tiền mặt lên đến 30%/vốn điều lệ. Kế hoạch chia cổ tức tiền mặt năm 2021 với tỷ lệ 25%/vốn điều lệ (2.500 đồng/CP).

Ông Dương Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, mặc dù gặp nhiều bất lợi, đặc biệt là tác động kép của đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm mạnh, nhưng nhờ tận dụng tốt các cơ hội, triển khai quyết liệt đồng bộ và hiệu quả 5 nhóm giải pháp (về công tác quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường, cơ chế chính sách), nên PV GAS đã hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. PV GAS tiếp tục cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 20% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng trên 62% thị phần LPG cả nước. PV GAS cũng tự hào khi đứng Top đầu các đơn vị có các chỉ số tài chính khả quan trong PVN (tỷ suất lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu đạt 16%, trên vốn điều lệ đạt trên 41%, nợ phải trả/tổng tài sản 22%).

Tương tự, mấy phiên gần đây, CP PVT (Tổng Công ty CP Vận tải dầu khí) cũng liên tục tăng giá. Chốt phiên giao dịch ngày 4/6, PVT tăng trần 6,9% lên 20.050 đồng/CP. Theo các chuyên gia chứng khoán, sở dĩ PVT tăng mạnh trong những phiên gần đây là do thời gian qua, đơn vị đạt nhiều kết quả tích cực trong kinh doanh vận tải. Hiện nay, PVT chiếm 100% thị phần mảng vận tải dầu thô và khí LPG tại Việt Nam. Trong quý 1/2021, PVT mua thêm 2 tàu chở hóa chất mới. Các tàu này đều đã có hợp đồng khai thác ở thị trường quốc tế, nâng đội tàu lên 32 chiếc đang hoạt động trên khắp các vùng biển. Năm 2021, tổng doanh thu dự kiến của PVT là 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 404 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 5/2012, lợi nhuận trước thuế của PVT 320 tỷ đồng, tương đương 64% kế hoạch năm, đạt 199% so với cùng kỳ năm ngoái; nộp ngân sách Nhà nước 79,7 tỷ đồng.

Cùng với 2 CP trên, chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, nhiều CP khác cũng tăng mạnh. Chẳng hạn, PVS tăng trần 10% lên 29.700 đồng/CP; PVD tăng trần 6,83% lên 24.250 đồng/CP; PVC tăng trần 9,65%; PSI tăng trần 9,8%. Các mã khác đều tăng mạnh, nhiều mã tăng gần như kịch trần như: OIL tăng 8,39%; BSR tăng 9,68%; PVB tăng 9,4%; PET tăng 5%. Riêng  POW tăng 3,15%, nằm trong top 10 CP có khối lượng giao dịch nhiều nhất trên sàn HoSE khi khớp hơn 28 triệu đơn vị…

Theo đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá dầu diễn biến bất thường nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của PVN tiếp tục được duy trì ổn định, các chỉ tiêu tài chính hợp nhất đều vượt so với kế hoạch. Tính đến hết tháng 5, tổng doanh thu toàn Tập đoàn 227,3 ngàn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020, nộp ngân sách Nhà nước 32,4 ngàn tỷ đồng, tăng 20%, lợi nhuận trước thuế 15,3 ngàn tỷ, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

 
;
.