Doanh nghiệp dịch vụ cần "tiếp sức"

Chủ Nhật, 13/06/2021, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng xấu đến nhiều lĩnh vực, trong đó có các DN, người kinh doanh dịch vụ ăn uống, vận tải. Các DN, người kinh doanh dịch vụ cần có sự “tiếp sức” mang tính dài hơi để vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Nhân viên Bến xe khách Vũng Tàu phun xịt sát khuẩn các xe đến, đậu tại bến xe.
Nhân viên Bến xe khách Vũng Tàu phun xịt sát khuẩn các xe đến, đậu tại bến xe.

NGỪNG HOẠT ĐỘNG VẪN TỐN CHI PHÍ

Để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch lây lan, một số tuyến vận tải hành khách đến các vùng có dịch bị tạm dừng hoạt động. Với các tuyến khác, DN vẫn được hoạt động nhưng phải giảm 50% số hành khách trên xe.

Ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng cho biết, hãng xe Toàn Thắng có khoảng 500 đầu xe, trong đó chủ yếu hoạt động tuyến Vũng Tàu đi TP.Hồ Chí Minh và ngược lại. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ 12 giờ ngày 1/6 đến nay, xe chạy tuyến này đã dừng hoạt động. Do vậy, DN gặp rất nhiều khó khăn vì không có nguồn thu, trong khi vẫn phải trả các khoản chi phí cố định như lãi suất ngân hàng, thuế, thuê mặt bằng, BHXH cho người lao động, phí đường bộ, bến bãi… “Tôi mong cơ quan chức năng sớm có chính sách miễn, giảm thuế, phí cho DN vận tải; xem xét miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm, phí thiết bị giám sát hành trình; xem xét giảm tiền đóng BHXH cho người lao động, giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải”, ông Trần Ngọc Khanh đề xuất.

Tương tự, các tuyến vận tải hành khách đang hoạt động cũng không khá hơn. Ông Trần Thanh Tuấn, chủ xe tuyến Vũng Tàu - Quảng Ngãi cho hay, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định chỉ được chở không quá 50% hành khách so với sức chứa nên doanh thu của nhà xe giảm sút. “Xe nhà tôi có 44 giường nằm nhưng chở chỉ được tối đa 20 khách. Tôi cố gắng duy trì hoạt động vì mối hàng vận chuyển quen, chứ chạy như vậy chỉ hòa và lỗ”, ông Tuấn than.

Các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng lâm cảnh khó khăn không kém. Hơn 10 ngày nay, quán cà phê của anh Thanh Tuấn trên đường Võ Trường Toản, TP. Vũng Tàu chỉ bán mang về cho khách mà không phục vụ tại chỗ như trước. Lượng khách không đông như thời điểm còn phục vụ tại chỗ. Anh Tuấn cho biết, trước đây mỗi ngày quán phục vụ vài chục lượt khách đến uống cà phê, doanh thu trung bình khoảng 1 triệu đồng/ngày. Từ ngày 1/6 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tạm ngưng phục vụ tại chỗ, mỗi ngày quán chỉ bán được 10-20 ly, doanh thu giảm 70%. Trong khi đó, các khoản tiền thuê nhà, lương nhân viên vẫn phải chi trả.

Còn chị Trần Thị Diễm My, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên đường Lê Duẩn, TP. Bà Rịa cho biết, trước đây trung bình mỗi ngày chị bán 110 phần, nhưng nay giảm còn 50%. Không được phục vụ khách tại chỗ, chị My đã tăng cường dịch vụ giao hàng tận nơi, nhưng cũng không bù đắp được chi phí đầu vào. “Đây là khó khăn chung của nhiều hộ kinh doanh ngành dịch vụ nên mình phải chấp nhận và tìm mọi cách để duy trì hoạt động. Hy vọng dịch bệnh nhanh được kiểm soát để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi sớm ổn định trở lại”, chị My chia sẻ. 

HỖ TRỢ NGƯỜI KINH DOANH

Với tinh thần chia sẻ khó khăn với người kinh doanh, một số chủ nhà đã giảm tiền thuê mặt bằng để hỗ trợ người kinh doanh. Anh Thanh Tuấn cho biết: “Lượng khách giảm, mỗi ngày thu vào chỉ được từ 100-200 ngàn đồng, trong khi tiền thuê nhà mỗi tháng 12 triệu đồng nên tôi rất khó khăn, chưa biết lấy khoản nào để bù đắp. Cách đây vài hôm, chủ nhà thông báo sẽ giảm tiền mặt bằng 2,5 triệu đồng/tháng. Mức giảm này tuy không nhiều nhưng cũng giúp tôi giảm bớt được một phần gánh nặng để duy trì quán”.

Chị Đỗ Thị Hường, một chủ cho thuê mặt bằng tại TP. Vũng Tàu chia sẻ: “Tôi cũng làm kinh doanh nên biết được khó khăn của người thuê mặt bằng. Do lượng khách và doanh thu sụt giảm mạnh nên tôi đã chủ động giảm tiền cho thuê từ 12 triệu đồng/tháng còn 8 triệu đồng. Đây là cách chia sẻ giúp cộng đồng cùng vượt khó”.

Không đứng ngoài cuộc, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội bằng các chính sách về thuế, tín dụng, lao động, BHXH... Trong khi đó, các hội, hiệp hội ngành nghề cũng đang tìm hiểu, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của DN, nhất là các DN vừa và nhỏ để kịp thời đề xuất UBND tỉnh có các giải pháp hỗ trợ. Ông Đào Hoài Bắc, Chủ tịch CLB Giao thương G9, TP. Vũng Tàu cho biết, qua các buổi họp trực tuyến, CLB đã trao đổi công việc, nắm bắt khó khăn của từng DN, nhất là những DN buộc phải đóng cửa do dịch như du lịch, giáo dục, dịch vụ… để có giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ.

Bộ Tài chính đã đề xuất giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, mức đề xuất giảm từ 50-70% các loại phí như: phí cấp căn cước công dân, phí sử dụng đường bộ đối với ô tô kinh doanh vận tải, phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Bên cạnh đó, một số giải pháp cũng được Chính phủ đưa ra như Nghị định 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021, với tổng số tiền dự kiến 115 ngàn tỷ đồng; Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước về tiếp tục giãn, hoãn thời gian trả nợ...per. Pellentesque ornare consectetur mi, in molestie velit venenatis sed.

Đặc biệt, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Chính phủ đã giao Bộ GT-VT xem xét, đề xuất hỗ trợ DN vận tải khách gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ giao Bộ GT-VT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan, địa phương sớm hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải, nhất là vận chuyển công nhân giữa nơi ở và cơ sở sản xuất, khu công nghiệp. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch, hỗ trợ các DN vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền trong thị trường nội địa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6.

Bài, ảnh: THÀNH HUY-ĐÔNG HIẾU

;
.