Doanh nghiệp nhanh chóng sản xuất trở lại

Thứ Hai, 27/04/2020, 21:22 [GMT+7]
In bài này
.

Từ cuối tuần qua, nhiều DN đã dần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh sau những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Công nhân Alpha ECC sản xuất xi lanh thủy lực cho ngành dầu khí.
Công nhân Alpha ECC sản xuất xi lanh thủy lực cho ngành dầu khí.

Đầu tuần, sau giờ họp an toàn ngoài trời tại Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Nam - Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu), người lao động của công ty đã nhanh chóng vào việc. Những đơn hàng sản xuất bình bồn công nghiệp, kết cấu thép xuất khẩu, dự án chế tạo, thiết bị xử lý, thu hồi nhiệt trên tàu dầu, thiết bị xử lý nước thải cho giàn khoan… đang làm dở dang từ trước mùa dịch được công nhân khẩn trương thực hiện.

Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Alpha ECC cho biết: Công ty có khoảng 1.000 lao động. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, những tháng từ sau Tết Nguyên đán chỉ có 80% lao động làm việc; nhiều chuyên gia và đối tác nước ngoài bị mắc kẹt ở các vùng dịch không thể trở lại Vũng Tàu nên nhịp độ công việc chậm hơn. Sau ngày 22/4, Thủ tướng đã quyết định nới lỏng việc cách ly do dịch bệnh nên công nhân từ các tỉnh, thành đã trở lại làm việc đông đủ, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty bắt đầu lấy lại nhịp độ bình thường. “Chúng tôi đang tập trung hoàn thành dự án vòng quay thiết bị giải trí 1.000 tấn để giao cho đối tác tại Thụy Sĩ. Một số nguyên vật liệu sắt, thép van, ống,… cũng đã bắt đầu có hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...”, ông Đảo cho biết.

Công nhân Công ty CP May Vũng Tàu may khẩu trang vải kháng khuẩn.
Công nhân Công ty CP May Vũng Tàu may khẩu trang vải kháng khuẩn.

Còn tại Công ty CP May Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu), sau thời gian thực hiện nghiêm ngặt về lệnh giãn cách xã hội, đến nay, mọi hoạt động sản xuất của công ty đã trở lại bình thường. Vào thời điểm này, công nhân tập trung may khẩu trang kháng khuẩn để xuất khẩu. Công ty sắp xếp, bố trí máy móc, từng khu vực làm việc theo quy định giãn cách 2 mét theo khuyến cáo của ngành y tế.

Theo ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh BR-VT, Hội có hơn 300 DN hội viên, trong đó, nhóm dịch vụ, du lịch, vận tải… bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Hiện nay, hầu hết các DN đã bắt đầu sản xuất kinh doanh trở lại. “Để từng bước ra khỏi khó khăn, chúng tôi khuyến khích các DN hội viên ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau. Chẳng hạn, DIC4 cần sử dụng VLXD thay vì mua ở nhiều nơi như trước đây thì nay DIC4 ưu tiên đặt mua từ các cửa hàng VLXD của DN hội viên trong Hội doanh nhân trẻ của tỉnh. Điều này giúp 300 DN hội viên có thể tháo gỡ phần nào khó khăn về thị trường”.

Trước đó, ngày 17/4, tại cuộc họp BCĐ phòng chống dịch COVID-19 thông qua kế hoạch hỗ trợ người nghèo, DN gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ DN ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá toàn diện tác động của dịch COVID-19 đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN. Trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh trong điều kiện an toàn; hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho DN; giảm các thủ tục hành chính để hỗ trợ lưu thông hàng hóa; đề xuất tham mưu triển khai các chính sách hỗ trợ giảm một số dịch vụ thiết yếu như điện, nước cho DN trên địa bàn tỉnh; thực hiện các biện pháp nhằm gia hạn thuế, bảo hiểm, khoanh nợ, giãn nợ ngân hàng…

Trong thời gian chờ chính sách hỗ trợ, các DN bằng nhiều giải pháp, đang tự tìm cách vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU – QUANG VŨ

 

 

;
.