Cứu kênh Rạch Bà là việc cấp bách

Thứ Hai, 20/04/2020, 22:17 [GMT+7]
In bài này
.

Kênh Rạch Bà kéo dài từ khu Á Châu (Phường 2) đến Phường 11, là một trong những kênh thoát nước quan trọng của TP.Vũng Tàu. Tuy nhiên, tuyến kênh này đã được liệt vào danh sách những “điểm đen” về ô nhiễm, cần nhanh chóng có giải pháp khắc phục.

Tàu thuyền neo đậu, xả thải cũng là nguyên nhân khiến kênh Rạch Bà ngày một ô nhiễm.
Tàu thuyền neo đậu, xả thải cũng là nguyên nhân khiến kênh Rạch Bà ngày một ô nhiễm.

KÊNH NGẬP NGỤA RÁC

Những người dân sống ven kênh Rạch Bà mấy chục năm qua coi dòng kênh này đã “chết”. Vì hiếm khi họ nhận thấy sự dịch chuyển của con nước. Ở đoạn kênh nào cũng chất đầy rác, chai nhựa, túi ni lông … Trong đó, ô nhiễm nặng nề nhất là đoạn kênh qua Phường 11. Nước kênh đen ngòm, mùi hôi thối nồng nặc. Những người vẫn đến gần dòng kênh mỗi ngày, hoặc là nhà của họ ở đó (có nhiều người thậm chí đã cơi nới đất lấn ra kênh), hoặc là bởi với họ, kênh là nơi xả thải dễ dàng nhất. Chúng tôi trong quá trình khảo sát thực tế cho bài viết này, đã bắt gặp một số người dân thuê trọ ở hẻm 704, đường 30/4 đổ thẳng nước sơ chế cá xuống kênh. 

Hơn 10 năm sống ở đây, bà Nguyễn Thị Luận (704/7, đường 30/4, Phường 11, TP. Vũng Tàu) cho biết, lúc nào kênh Rạch Bà cũng hôi thối nồng nặc, thở không nổi. Mùa mưa, nước từ kênh thậm chí còn tràn vào nhà, ngập khoảng 10-20cm. 

Còn bà Nguyễn Thị Tẹt (hẻm 702, đường 30/4, phường Rạch Dừa) nói thêm: “Hơn 6 năm sống ở đây, tôi thấy lòng kênh ngày càng bị thu hẹp, phần thì do đất bồi lấp, phần thì do nhiều hộ sống ven kênh cơi nới ra ngoài. Đáng nói là tình trạng heo, gà chết người ta thải ra kênh gây nên mùi hôi thối, khiến cho môi trường sống thường xuyên bị ô nhiễm”.

Thông tin từ Phòng TN-MT TP. Vũng Tàu cho biết, trước năm 2016, kênh Rạch Bà là kênh thoát nước thải từ các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nước mưa trên địa bàn thành phố. “Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm kênh ngày càng nghiêm trọng vì một số cơ sở chế biến hải sản nhỏ lẻ và các hộ dân xả thải trực tiếp chưa qua xử lý ra kênh”, ông Phạm Quốc Huy, Phó Phòng TN-MT TP. Vũng Tàu cho biết.

Người dân sơ chế cá bên kênh Rạch Bà. Họ là những người mà chúng tôi bắt gặp đã xả thải trực tiếp xuống kênh.
Người dân sơ chế cá bên kênh Rạch Bà. Họ là những người mà chúng tôi bắt gặp đã xả thải trực tiếp xuống kênh.
 
 
Kênh Rạch Bà ngập rác, tù đọng.
Kênh Rạch Bà ngập rác, tù đọng.

CẤP BÁCH “CỨU” KÊNH RẠCH BÀ

Năm 1993, bề rộng lòng kênh của toàn tuyến từ 8-18m. Tuy nhiên đến nay, lòng kênh toàn tuyến đã bị thu hẹp, trung bình chỉ còn 4m. Nhiều khu vực bờ kênh bị người dân lấn chiếm xây dựng nhà cửa, công trình, trồng trọt… Theo Sở Xây dựng, hàng năm, Sở đều phê duyệt kế hoạch nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến thoát nước của tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, việc nạo vét kênh Rạch Bà chỉ thực hiện 2 năm một lần. 

Việc nạo vét, khơi thông dòng chảy cho kênh Rạch Bà chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cơ quan chức năng cho rằng, để xử lý ô nhiễm môi trường kênh Rạch Bà, cần có giải pháp mang tính bền vững như di dời các cơ sở chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư nằm ven kênh; xây dựng hệ thống cống hộp ở những đoạn kênh hẹp đi qua khu dân cư... Tuy nhiên, đây đều là những giải pháp cần có thời gian và tốn kém về kinh phí. Do đó, trước mắt, cần ưu tiên là xử lý triệt để tình trạng xả thải vô tội vạ xuống kênh; tuyên truyền, kêu gọi người dân chung tay bảo vệ kênh sau mỗi lần nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.