.

Không thiếu nước vào cao điểm mùa khô

Cập nhật: 21:04, 16/02/2020 (GMT+7)

Dù thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, trữ lượng nước giảm mạnh, nhưng qua khảo sát, ít nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, nhất là đối với ngành nông nghiệp. Thành công này là nhờ ngành thủy lợi, các địa phương và bà con nông dân đã, đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để bảo đảm nguồn nước phục vụ nông nghiệp trong cao điểm mùa khô.

Để khai thác hiệu quả nguồn nước, cơ quan chức năng và các tổ dùng nước luôn giữ liên lạc để phân chia hiệu quả, tránh lãng phí. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Khai thác, quản lý công trình thủy lợi TP.Bà Rịa kiểm tra hoạt động của đập Sông Dinh.
Để khai thác hiệu quả nguồn nước, cơ quan chức năng và các tổ dùng nước luôn giữ liên lạc để phân chia hiệu quả, tránh lãng phí. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Khai thác, quản lý công trình thủy lợi TP.Bà Rịa kiểm tra hoạt động của đập Sông Dinh.

THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP NHẰM BẢO ĐẢM ĐỦ NGUỒN NƯỚC

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết: Xác định thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước tưới, ngay từ đầu mùa khô, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tránh thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, huyện đã vận động bà con tổ chức gieo sạ đồng loạt vào cuối tháng 11/2019 đối với diện tích dùng nước tưới từ sông, suối, ao hồ và từ 10/12/2019 đến 31/12/2020 đối với diện tích có nước tưới thủy lợi để kết thúc vụ Đông Xuân trước 10/4. Ngoài ra, huyện thường xuyên thông báo rộng rãi trên các kênh thông tin về quy hoạch diện tích tưới từ các công trình thủy lợi và lịch gieo sạ, kiên quyết không để người dân gieo sạ lúa ngoài vùng quy hoạch khu tưới. Đồng thời, lập biên bản đối với những hộ gieo sạ trễ so với lịch thời vụ để có cơ sở xử lý khi có thiệt hại do thiếu nước vào cuối vụ xảy ra. “Cùng với đó, huyện cũng củng cố các Tổ quản lý điều tiết nước trên địa bàn quản lý; chi kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ hoạt động của tổ dùng nước; tổ chức nạo vét, phát quang các tuyến kênh cấp III đến kênh nội đồng và sửa chữa các cống lấy nước để thực hiện tốt việc điều phối nước phục vụ sản xuất. Chúng tôi cũng theo dõi diễn biến nước tưới của các vườn cây lâu năm trên địa bàn huyện để có biện pháp đề xuất, ứng phó kịp thời khi xảy ra thiếu nước cục bộ”, ông Tuấn thông tin thêm.

Dù thời tiết không thuận lợi, không ít địa phương xảy ra tình trạng thiếu nguồn nước tưới trong nông nghiệp. Trong ảnh: Nông dân Nguyễn Hùng Sỹ (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) kiểm tra việc lấy nước vào ruộng lúa.
Dù thời tiết không thuận lợi, không ít địa phương xảy ra tình trạng thiếu nguồn nước tưới trong nông nghiệp. Trong ảnh: Nông dân Nguyễn Hùng Sỹ (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) kiểm tra việc lấy nước vào ruộng lúa.

Còn theo ông Văn Thanh Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc, UBND huyện thường xuyên phối hợp với Trạm Quản lý công trình thủy lợi có kế hoạch tích nước hợp lý, bảo đảm an toàn công trình và tích nước tối đa; điều hành hợp lý kế hoạch cấp nước. Khi xảy ra thiếu hụt nguồn nước, bảo đảm cung cấp theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; đồng thời, phân bổ lịch tưới có khoa học, hợp lý và hiệu quả, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, gây thất thoát, lãng phí nước. Ông Hùng cho biết: “Địa phương cũng thường xuyên tổ chức khảo sát lại các tuyến kênh thuộc cấp mình quản lý, tổ chức sửa chữa, nạo vét, phát quang để thông thoáng dòng chảy, kịp thời phục vụ tưới. Cán bộ kỹ thuật cũng có mặt thường xuyên để điều tiết nước ở các công trình, phối hợp với Tổ điều tiết nước các xã phục vụ sản xuất tốt nhất. Do đó, đến nay, rất ít diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng thiếu nước tưới”.

Dự kiến trữ lượng tại hồ Sông Ray và hồ Đá Đen sẽ đủ cung cấp nước sinh hoạt cho toàn tỉnh nếu không có diễn biến  cực đoan của thời tiết. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi đầu mối Sông Ray kiểm tra hoạt động của cửa van đập tràn của hồ chứa nước Sông Ray. Ảnh: QUANG VINH
Dự kiến trữ lượng tại hồ Sông Ray và hồ Đá Đen sẽ đủ cung cấp nước sinh hoạt cho toàn tỉnh nếu không có diễn biến cực đoan của thời tiết. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi đầu mối Sông Ray kiểm tra hoạt động của cửa van đập tràn của hồ chứa nước Sông Ray. 

Bên cạnh các biện pháp của các địa phương, bà con nông dân cũng nắm bắt, thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm nguồn nước thủy lợi. Trước hết là canh tác đúng thời vụ của Sở NN-PTNT. Ông Nguyễn Hai (ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cho biết, vụ Đông Xuân vừa qua, ông canh tác 2ha lúa. Để bảo đảm lấy được đủ nguồn nước tưới, ông đã tuân thủ lịch của ngành nông nghiệp và gieo sạ vào giữa tháng 12. “Nhờ đó, tôi sẽ kết thúc vụ sản xuất vào cuối tháng 3 nên không sợ thiếu nước tưới. Đồng thời, nhờ được tuyên truyền nên tôi chỉ lấy nước vào ruộng vừa đủ, tránh gây lãng phí và khiến một số vùng ruộng ở xa hơn bị ảnh hưởng do thiếu nước”, ông Hai nói.

TRƯỜNG HỢP CẤP BÁCH, ĐỀ XUẤT SỬ DỤNG CÁC PHƯƠNG TIỆN LƯU ĐỘNG

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh, tính đến ngày 10/2, tổng trữ lượng nước của các công trình, hồ chứa trên địa bàn tỉnh là 126,24 triệu m3, thấp hơn 21 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tại hồ Sông Ray, công trình phục vụ tưới tiêu trọng điểm của tỉnh và là nơi tiếp nước cho hồ Đá Đen để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân BR-VT, trữ lượng đã giảm khoảng 20 triệu m3 so với cùng kỳ. Ông Vũ Văn Lợi, Trưởng Phòng Quản lý nước, Trung tâm Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh cho biết, nguyên nhân của việc trữ lượng nước giảm mạnh là do yếu tố cực đoan của thời tiết. Năm nay, nắng nóng kéo dài, lượng mưa tại khu vực các hồ chứa đều giảm mạnh. Như hồ Đá Đen chỉ đo được lượng mưa 1.101mm, giảm 150mm so với cùng kỳ 2018; hồ Châu Pha 1.145mm, giảm 126mm so với 2018. Riêng hồ Sông Ray có lượng mưa 592mm, tương đương với năm 2018 nhưng giảm đến hơn 900mm so với năm 2017.  

Dự kiến, đến ngày 10/4 tới, tại hồ Sông Ray (hồ chứa cung cấp nguồn nước cho hồ Đá Đen để phục vụ sinh hoạt trên địa bàn tỉnh), dung tích nước hữu ích sẽ đạt khoảng 27,5 triệu m3. Để ưu tiên cung cấp nước sinh hoạt, đến thời điểm này, hồ sẽ dừng cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Hàng ngày, hồ sẽ cung cấp khoảng 389.000m3 nước/ngày cho nhà máy cấp nước hồ Đá Đen. Như vậy, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, mùa mưa diễn ra vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, lượng nước của hồ Sông Ray và hồ Đá Đen sẽ đủ cung cấp cho người dân, DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.   

(Ông Vũ Văn Lợi, Trưởng phòng Quản lý nước, Trung tâm Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh).

Theo ông Vũ Văn Lợi, mặc dù trữ lượng nước giảm mạnh nhưng nhờ các biện pháp cụ thể, tích cực của các địa phương, người nông dân nên dù thời tiết cực đoan, đến nay, việc thiếu nước tưới trên địa bàn tỉnh ít xảy ra. Tuy nhiên, với việc thời tiết diễn biến không thuận lợi, trữ lượng nguồn nước tại các hồ chứa sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới. Do đó, các địa phương, người nông dân cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để bảo đảm nguồn nước tưới cho phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chủ động cân đối nguồn nước sinh hoạt tới từng hộ, thôn/ấp, xã, ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt; tăng cường sử dụng trang, thiết bị phục vụ cấp và trữ nước như bồn trữ nước, máy lọc nước, hóa chất xử lý nước cho các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trường hợp cấp bách không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, đề xuất sử dụng các phương tiện lưu động như: xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình...

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.