Top 500 DN lớn nhất Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp dầu khí tiếp tục được xướng tên

Thứ Tư, 04/12/2019, 19:45 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tháng 11 vừa qua, Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2019. Đây là năm thứ 13 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu và công bố nhằm tôn vinh những DN đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kỹ sư, công nhân Vietsovpetro làm việc trên giàn khoan.
Kỹ sư, công nhân Vietsovpetro làm việc trên giàn khoan.

Trong bảng xếp hạng này, ngoài Công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được xếp vị trí thứ 3, nhiều đơn vị trực thuộc cũng được vinh danh. Trong đó, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL); Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro); Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP),… là những đơn vị lọt Top 50 DN lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, còn có 2 DN lọt vào Top 100 là Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) xếp thứ 84 và Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO) xếp thứ 85.

Trải qua 13 năm bình chọn, đây không phải là lần đầu tiên PVN và các đơn vị thành viên lọt danh sách VNR 500, mà trong nhiều năm qua, một số DN nêu trên đã lọt vào danh sách này, nhiều nhất phải kể đến PVN và PV Gas, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Theo đánh giá PVN, từ đầu năm đến nay, tình hình ngành dầu khí còn nhiều khó khăn, các sản phẩm chủ lực của PVN phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu; thị trường dầu khí biến động mạnh. Đặc biệt, trong tháng 10/2019, giá dầu Brent dao động khoảng 60-62 USD/thùng, thấp hơn giá kế hoạch năm 2019 là 65 USD/thùng. Tuy nhiên, với việc nâng cao hiệu quả công tác quản trị, quyết liệt trong điều hành và sự nỗ lực của người lao động, nên sản xuất, kinh doanh của PVN tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến đầu tháng 11/2019, tổng doanh thu toàn PVN đạt 627,74 ngàn tỷ đồng, vượt 2,5% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước 86,42 ngàn tỷ đồng. Kết quả này đã giúp PVN về đích năm 2019 trước 2 tháng so với kế hoạch.

Tổng Giám đốc PV Gas, ông Dương Mạnh Sơn, cho biết: Tính đến đầu tháng 11, PV Gas cũng hoàn thành các chỉ tiêu tài chính về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước của cả năm 2019. Cụ thể, tổng doanh thu đạt hơn 64,576 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 11,983 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9,609 ngàn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 4,172 ngàn tỷ đồng.

Kỹ sư, công nhân Công ty PV Gas trao đổi trên công trường. Ảnh: PHAN HÀ
Kỹ sư, công nhân Công ty PV Gas trao đổi trên công trường. Ảnh: PHAN HÀ

Tại Vietsovpetro, ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc cũng khẳng định, với tiến độ thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh như trong thời gian qua, Viesovpetro sẽ hoàn thành và vượt mức xa các chỉ tiêu về sản xuất, cũng như về kinh tế tài chính năm 2019. Tính đến tháng 11, Vietsovpetro  đã hoàn thành các chỉ tiêu cả năm. Theo đó, năm 2019,  sản lượng khai thác dầu/condensate dự kiến đạt hơn 3,7  triệu tấn (đạt 105,6% kế hoạch); Khai thác khí thiên nhiên đạt 136 triệu m3 (115% kế hoạch), cung cấp về bờ gần 1,1 tỷ m3 khí (đạt 170% kế hoạch). Doanh thu bán dầu, khí và condensate gần  1,8 tỷ USD (đạt 111% kế hoạch); Tổng nộp NSNN và lợi nhuận hai phía dự kiến 1,3 tỷ USD (đạt 130% so với kế hoạch). Cách đây hơn 1 tháng, đơn vị này đã đón dòng dầu thương mại đầu tiên từ giếng MTD-2X giàn BK-20 mỏ Bạch Hổ với lưu lượng dầu ban đầu thu được là 288 tấn/ngày đêm. Với việc tiếp tục khoan thêm các giếng khai thác, giàn BK-20 góp phần gia tăng đáng kể sản lượng khai thác dầu khí cho Vietsovpetro năm 2019 cũng như các năm tiếp theo. 

Bảng xếp hạng VNR500 là kết quả nghiên cứu của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học, độc lập và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, đồng thời được kiểm chứng với dữ liệu của DN nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác của bảng xếp hạng. VNR500 đánh giá thứ hạng DN dựa trên tiêu chí cơ bản là tổng doanh thu. Bên cạnh đó, các tiêu chí như lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, lao động, tài sản và uy tín truyền thông cũng được sử dụng như các nhân tố bổ sung góp phần tạo nên vị thế xứng tầm DN lớn.

Đánh giá của Vietnam Report cũng cho biết, năm 2019, mặc dù chịu tác động không thuận lợi của nền kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều DN vẫn cố gắng trụ vững, duy trì mức sản xuất như các năm trước và đạt lợi nhuận tốt. Khảo sát của Vietnam Report về tình hình hoạt động của DN trong năm 2019 cho thấy có 49,2% DN đánh giá tình hình hoạt động của DN tốt hơn năm trước; 39,5% DN cho rằng tình hình kinh doanh cơ bản ổn định; và 11,3% DN đánh giá tình hình kinh doanh giảm đi.

Trong thời gian tới, dù kinh tế thế giới được dự báo sẽ suy giảm nhưng ngược lại nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. Việt Nam được lợi thế từ quá trình chuyển dịch vốn đầu tư và đang trở thành tâm điểm của dòng vốn đầu tư trong khu vực với các cơ hội rộng mở trên nhiều lĩnh vực như: Tài chính, bất động sản... Bên cạnh đó, theo các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng khi vừa ký kết các hiệp định thương mại RCEP, CPTPP và EVFTA, cùng những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ.

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.