SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ KHỬ MÙI HÔI CHẾ BIẾN BỘT CÁ NHẬT BẢN

Tiến tới xóa sổ điểm nóng ô nhiễm không khí

Chủ Nhật, 10/11/2019, 21:08 [GMT+7]
In bài này
.

Dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản, một số nhà máy chế biến bột cá tại BR-VT được lắp đặt thử nghiệm công nghệ xử lý mùi hôi. Sau 3 tháng thử nghiệm, mùi hôi từ các nhà máy chế biến bột cá giảm đáng kể và khí thải sau xử lý đều đạt quy chuẩn quốc gia.

Đoàn lãnh đạo tỉnh kiểm tra hệ thống xử lý ô nhiễm tại nhà máy chế biến bột cá Nghê Huỳnh khi ứng dụng công nghệ của Nhật. Ảnh: QUANG VŨ
Đoàn lãnh đạo tỉnh kiểm tra hệ thống xử lý ô nhiễm tại nhà máy chế biến bột cá Nghê Huỳnh khi ứng dụng công nghệ của Nhật. 

 CHẾ BIẾN BỘT CÁ DỄ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

Chế biến hải sản là ngành nghề đem lại nguồn lợi kinh tế lớn và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Tuy nhiên, hoạt động chế biến hải sản, đặc biệt chế biến bột cá là “điểm nóng” ô nhiễm môi trường nhiều năm qua. 

Theo ghi nhận của phóng viên, hoạt động chế biến bột cá hiện đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm không khí tại nhiều khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh: khu vực xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu); xã Tân Hải; khu vực Trạm Thu phí T3 (TX. Phú Mỹ); xã Lộc An (huyện Đất Đỏ). Mùi hôi từ các cơ sở chế biến bột cá thậm chí còn phát tán, lan ra nhiều khu vực lân cận.

Hệ thống xử lý khí thải từ hoạt động chế biến bột cá của DNTN Phúc Lộc.
Hệ thống xử lý khí thải từ hoạt động chế biến bột cá của DNTN Phúc Lộc.

Từ nhiều năm nay, người dân xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ luôn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm không khí do mùi hôi từ chất thải của các nhà máy chế biến hải sản, sản xuất bột cá gây ra. Theo Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), nguy cơ gây ô nhiễm trong hoạt động sản xuất bột cá chủ yếu xuất phát từ hơi nước trong quy trình sấy bột cá. Ví dụ, 4kg cá nguyên liệu khi qua lò sấy sẽ cho ra 1kg bột cá, nhưng đồng thời cũng tạo ra 3kg hơi nước bão hòa. Theo đó khí thải từ lò sấy cá, chủ yếu ở dạng hơi nước với độ ẩm lên đến 90% và thải ra các loại khí độc hại như NH3, N2S, Mercaptan, các amin hữu cơ… Ông Nguyễn Văn Tý (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) cho biết, do ở khu vực giáp ranh với xã Tân Hải gần các cơ sở chế biến bột cá nên hàng ngày gia đình ông đều phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc từ hoạt động sản xuất cá tạp thành bột cá - thức ăn dành cho cá.

Theo đó, để kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát thải nước thải, khí thải của các cơ sở này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành ngoài việc thực hiện nghiêm công tác thanh tra, giám sát việc xả thải còn phải quyết liệt thực hiện các giải pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm môi trường. Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực chế biến hải sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện nghiêm công tác thanh tra, giám sát việc xả thải của các cơ sở chế biến hải sản. Đồng thời, tạm ngưng, đình chỉ hoạt động hoặc yêu cầu cắt giảm công suất của một số cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm. Chẳng hạn như tại khu vực thôn Cát Hải (xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) trước đây có 18 cơ sở chế biến hải sản, sản xuất bột cá, tuy nhiên hiện chỉ còn 5 cơ sở đủ điều kiện về bảo vệ môi trường đang được cho phép hoạt động bình thường.

Nguyên liệu đầu vào và quá trình sấy khô cá là nguyên nhân dẫn đến mùi hôi tại các cơ sở chế biến bột cá.
Nguyên liệu đầu vào và quá trình sấy khô cá là nguyên nhân dẫn đến mùi hôi tại các cơ sở chế biến bột cá.

ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ NHẬT BẢN

Tháng 7/2019, Công ty Ogiso Kentiku (Nhật Bản) đã tiến hành lắp đặt thử nghiệm thiết bị xử lý mùi hôi tại 3 nhà máy chế biến bột cá, phát sinh mùi hôi trên địa bàn TX. Phú Mỹ và huyện Đất Đỏ. Theo ông Adachi Junichi, Trưởng nhóm tiếng ồn không khí, Phòng Chính sách môi trường không khí TP. Nagoya (Nhật Bản), công nghệ xử lý mùi hôi từ hoạt động chế biến bột cá của Nhật Bản sử dụng hệ thống xử lý khí thải bằng công nghệ sinh học, hệ thống hấp thụ bằng than hoạt tính, hệ thống đốt để xử lý hoàn toàn mùi hôi do các chất amoniac, hydrogen, methylmercaptan… phát sinh ra trong quá trình sản xuất bột cá. Công nghệ này đã được nhiều tỉnh, thành phố tại Nhật Bản có hoạt động sản xuất bột cá áp dụng thành công.

Công ty TNHH Nghê Huỳnh (TX. Phú Mỹ) là 1 trong 3 nhà máy đã lắp đặt thử nghiệm công nghệ xử lý mùi hôi bột cá khi hoạt động 30% công suất, tương đương khoảng 9 tấn bột cá/ngày. Theo đó, Công ty TNHH Nghê Huỳnh đã ký hợp đồng đầu tư trọn gói trang thiết bị xử lý mùi hôi của Công ty Ogiso Kentiku. Sau 3 tháng thử nghiệm, hệ thống xử lý ô nhiễm đã hoạt động ổn định. Kết quả cho thấy công nghệ này cơ bản khử được mùi hôi phát tán, khí thải sau xử lý đều đạt quy chuẩn và nằm trong giới hạn cho phép. Tháng 10/2019, Sở TN-MT phối hợp với các chuyên gia về môi trường, Sở KH-CN, Sở NN-PTNT, Công an tỉnh, UBND TX. Phú Mỹ kiểm tra, lấy mẫu khí thải phát sinh từ hoạt động sấy bột cá tại Công ty TNHH Nghê Huỳnh, kết quả các mẫu khí cho thấy các thông số sau khi xử lý đạt QCVN 20:2009/BTNMT- quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở chế biến bột cá, trong đó tại ấp Láng Cát (xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) có 5 cơ sở; TP. Bà Rịa có 1 cơ sở và tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) có 4 cơ sở. Các nhà máy có công suất hoạt động từ 20-320 tấn cá/ngày. Sau khi thử nghiệm thành công, công nghệ xử lý mùi hôi từ sản xuất bột cá của Nhật Bản sẽ được ứng dụng tại 7 nhà máy chế biến bột cá còn lại trên địa bàn tỉnh. Việc đầu tư công nghệ xử lý ô nhiễm bột cá dự kiến sẽ được Tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ kinh phí để thực hiện bằng nguồn vốn ODA đầu tư vào năm 2020.

DNTN chế biến bột cá Phúc Lộc (thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) hoạt động trong lĩnh vực chế biến bột cá đã hơn 15 năm. DNTN chế biến bột cá Phúc Lộc cũng đã nhiều lần đầu tư công nghệ đốt, công nghệ rửa khí… của Việt Nam và Na Uy tiêu tốn hàng tỷ đồng nhưng khí thải ra môi trường vẫn chưa đạt chuẩn. Hiện Phúc Lộc đang thử nghiệm công nghệ xử lý ô nhiễm mới và kết quả ban đầu cho thấy khí thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn cho phép.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.