Để chương trình OCOP phát huy hiệu quả

Thứ Năm, 03/10/2019, 20:53 [GMT+7]
In bài này
.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Tại BR-VT, chương trình OCOP hướng đến việc tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu, mang tính đặc trưng của mỗi vùng, đáp ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

    Thu hoạch rau củ quả tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Vifarm.  Ảnh: VÂN ANH
Thu hoạch rau củ quả tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Vifarm. Ảnh: VÂN ANH

Chương trình đặc biệt ưu tiên các đặc sản vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ tại địa phương. OCOP có nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, hệ thống nhận diện thương hiệu và quảng bá thương hiệu của sản phẩm, chỉ dẫn địa lý. Đồng thời xây dựng hệ thống chỉ tiêu minh bạch, dễ đo lường trong việc hỗ trợ các cộng đồng phát triển sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dự án khởi nghiệp; nghiên cứu, phát triển sản phẩm trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, xây dựng và gắn câu chuyện sản phẩm từ giá trị văn hóa này nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Theo đó, tháng 5/2019 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình OCOP tỉnh BR-VT giai đoạn 2019-2020. Theo đó, BR-VT phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm đặc trưng đã được khảo sát của tỉnh (tương ứng 15/30 sản phẩm) như hồ tiêu; hạt điều, cà phê, thanh long, bưởi da xanh, mãng cầu, nhãn xuồng cơm vàng, rau các loại, nước mắm, nấm linh chi… để hỗ trợ phát triển. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 700 cán bộ quản lý Nhà nước (cấp tỉnh, huyện, xã) và 100% lãnh đạo DN, HTX, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình này; nghiên cứu xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm cấp tỉnh.

Mục tiêu là vậy, tuy nhiên trên thực tế, thời gian qua ngành nông nghiệp đang đối mặt nhiều thách thức lớn như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn; thị trường tiêu thụ không ổn định; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bất thường; hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo áp lực lớn cho các sản phẩm trong nước… Đây là những hạn chế nếu không sớm được khắc phục sẽ là rào cản lớn của việc triển khai thực hiện chương trình OCOP. Ngoài ra, mục tiêu của OCOP không phải là phong trào mà là một chương trình kinh tế, sản xuất các sản phẩm cụ thể, để xây dựng thương hiệu dựa vào đặc trưng của từng xã, huyện. Với các nông sản thế mạnh chung của nhiều địa phương khác nhau, sẽ có phương án liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, quảng bá và xây dựng thành thương hiệu chung cấp huyện hoặc tỉnh chứ không nên cứng nhắc “cứ mỗi xã một sản phẩm” sẽ gây khó khăn trong sản xuất, quản lý. Từ đó, tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm OCOP, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc... đảm bảo theo quy định.

Bên cạnh đó, phải xác định đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Tùy điều kiện, đặc điểm, cần lựa chọn bước đi, lộ trình thích hợp, lựa chọn các sản phẩm lợi thế của địa phương để đầu tư phát triển, tiến tới xuất khẩu tạo chuỗi giá trị.

Qua khảo sát chưa có nhiều người dân hiểu rõ chương trình này. Do đó, cần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình OCOP, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Công tác tổ chức quản lý OCOP khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện cũng là  điều cần được quan tâm. Đó là xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; thương hiệu của từng sản phẩm; kế hoạch chuyên biệt, cụ thể, bài bản về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia.

BÙI NGỌC

(TP. Bà Rịa)

;
.