Khó khăn về thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ

Thứ Hai, 23/09/2019, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được định hướng phát triển thành một trong những lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay việc thu hút dự án vào lĩnh vực này vẫn chưa có bứt phá.

Thiếu công nghiệp hỗ trợ, hiện ngành may phải nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu để phục vụ sản xuất.
Thiếu công nghiệp hỗ trợ, hiện ngành may phải nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu để phục vụ sản xuất.

 Toàn tỉnh hiện có 25 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNHT, với tổng vốn 1.209 tỷ đồng và 765 triệu USD. Các dự án tập trung vào nhóm ngành: sản xuất khuôn mẫu gia công cơ khí, dệt may, da giày, sản phẩm hoá chất, sản phẩm nhựa, thiết bị điện. Một DN đầu tư dự án CNHT hiệu quả có thể kể đến như: Công ty Dongjin Global (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ), Công ty CP hóa chất hiếm Việt Nam (KCN Cái Mép)… CNHT bước đầu đã hình thành mối liên kết sản xuất giữa các DN, tạo điều kiện cho DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Lee Sung Jae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dongjin Global (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ) cho biết: Dongjin Global là một trong những DN đi đầu trong việc sản xuất linh kiện dây cáp, dây điện sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. Bình quân DN sản xuất 1 triệu cụm linh kiện các loại/tháng. Ở Việt Nam, lĩnh vực này còn nhiều tiềm năng phát triển. Đón đầu cơ hội đầu tư, vừa qua, DN đã mở rộng thêm 2 dây chuyền sản xuất để tăng năng lực sản xuất lên khoảng 20%.

Dù số lượng dự án thuộc lĩnh vực CNHT có chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây nhưng theo đánh giá của Sở Công thương, việc thu hút các dự án đầu tư ngành CNHT của tỉnh vẫn còn chậm, các DN mới tham gia vào khâu gia công phụ kiện. Việc thiếu các DN CNHT dẫn đến nhiều ngành hàng phụ thuộc vào nhập khẩu, bị động trong sản xuất…

Nêu thực trạng yếu kém của CNHT ở lĩnh vực may mặc, ông Trần Minh Quang, Giám đốc Công ty TNHH May Tân Mỹ (CCN Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) chia sẻ: Đây là khó khăn lớn nhất của ngành may mặc trong nước. Hầu hết các DN trong ngành đều phải nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Để ngành may mặc phát triển bền vững, cần có những KCN sản xuất các sản phẩm phụ trợ như: sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa...

Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện nay, tỉnh đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển CNHT để kêu gọi đầu tư dự án tại các KCN có đủ điều kiện như KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3, KCN Đất Đỏ 1… Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tăng cường liên kết vùng, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai để tạo chuỗi liên kết sản phẩm. Cùng với việc xác định Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực CNHT, thời gian tới, tỉnh sẽ đề xuất các giải pháp để mở rộng thu hút DN các nước và vùng lãnh thổ khác như: Hàn Quốc, Đài Loan... Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN cũng đang triển khai các giải pháp thúc đẩy các KCN hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Mặt khác, rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư, đặc biệt là khuyến khích các dự án đầu tư vào 3 lĩnh vực CNHT ưu tiên phát triển của tỉnh gồm: CNHT ngành cơ khí (phục vụ cho ngành đóng tàu, ngành dịch vụ khai thác và chế biến dầu khí, ngành chế tạo sản phẩm tiêu dùng), CNHT ngành điện - điện tử và CNHT ngành hóa chất sản xuất linh kiện điện tử.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.