Cùng hành động để giảm rác thải nhựa

Thứ Sáu, 06/09/2019, 19:42 [GMT+7]
In bài này
.

Ô nhiễm đại dương, chủ yếu là rác thải nhựa được xem là thách thức môi trường lớn thứ 2, sau biến đổi khí hậu. Để khắc phục tình trạng này, các quốc gia trên thế giới đang có những bước đi cụ thể nhằm giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường. Trong đó Việt Nam cũng là một quốc gia tích cực nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.

Đại diện liên minh các công ty toàn cầu sản xuất hóa chất và nhựa trao đổi tại buổi họp báo “Liên minh loại bỏ rác thải nhựa” (AEPW).
Đại diện liên minh các công ty toàn cầu sản xuất hóa chất và nhựa trao đổi tại buổi họp báo “Liên minh loại bỏ rác thải nhựa” (AEPW).

HỢP TÁC  CÙNG HÀNH ĐỘNG

Để trái đất không phải oằn mình gánh chịu hàng triệu tấn rác thải nhựa khó phân hủy, ngoài hạn chế sử dụng các công cụ làm từ nhựa, hiện nay các tập đoàn, DN  đang liên kết các đối tác của mình tham gia nền kinh tế tuần hoàn. Điển hình là Tập đoàn SCG (hiện đang đầu tư Tổ hợp hóa dầu Long Sơn tại BR-VT, có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD). Cuối  tháng 8/2019, tại Bangkok, Thái Lan, Tập đoàn SCG đã tổ chức hội  nghị “10 năm phát triển bền vững”. Đây là năm thứ 10, SCG tổ chức hội nghị “Phát triển bền vững” về những vấn đề xung quanh phát triển kinh tế liên quan đến tác động môi trường. Theo ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch và Giám đốc điều hành SCG, tăng dân số, tăng lượng rác thải ra môi trường, phát triển sản xuất không tính đến các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững... là những lý do đưa đến các nguy cơ gia tăng khả năng gây ra những tác động xấu cho môi trường sống của nhân loại. Do vậy, Tập đoàn SCG mong muốn có sự chung tay của tất cả các DN trên thế giới tăng cường các giải pháp quản lý DN theo hướng cân bằng các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường; nhằm hướng đến mục tiêu cốt lõi như định hướng của SCG: “Quan tâm đến trách nhiệm xã hội”.

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, bùng nổ dân số cùng với mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng tài nguyên tăng cao, dẫn đến nguy cơ khan hiếm nguyên liệu thô trầm trọng. Do đó, cần thiết phải hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, nền kinh tế tuần hoàn sử dụng phương thức tái tạo, qua đó thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng và lối sống. Các nhà sản xuất phải cam kết thực hiện những hoạt động thân thiện với môi trường: Phát triển đổi mới công nghệ, tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên nhằm giảm lượng chất thải, tăng cường tác động tích cực đến môi trường bằng việc tối ưu hóa tài nguyên. Mô hình này cũng bao gồm việc tăng cường hiệu quả quản lý chất thải để giữ tài nguyên trong vòng tuần hoàn “sản xuất- sử dụng- tái chế”.

Tại khu vực Đông Nam Á, SCG là một trong những tập đoàn có nhiều hoạt động trong việc cắt giảm rác thải nhựa cũng như sản xuất bao bì thân thiện với môi trường và dễ dàng tái chế. Theo SCG, trong những năm qua, tập đoàn này đã kết hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào hoạt động của DN với 3 chiến lược như sau: Thứ nhất là giảm sử dụng vật liệu và tăng độ bền vật liệu bằng cách hạn chế sử dụng tài nguyên trong sản xuất cũng như phát triển các sản phẩm với thời gian sử dụng dài hơn, ví dụ như sản xuất bao bì gợn sóng với vẻ ngoài bắt mắt – bền nhưng tiêu tốn ít giấy hơn. Thứ hai, đổi mới công nghệ để thay thế các sản phẩm và nguyên liệu thô hiện tại bằng các giải pháp hiệu quả hơn, giúp giảm thiểu tiêu thụ nguyên liệu hoặc làm cho sản phẩm dễ dàng tái chế hơn. Thứ ba, tái sử dụng và tái chế bằng cách tăng cường khả năng tái chế của vật liệu như phát triển sản phẩm với dây chuyền sản xuất sử dụng tỷ lệ vật liệu tái chế cao hơn, hợp tác với các siêu thị và cửa hàn bán lẻ hiện đại nhằm thu thập các hộp giấy và giấy đã qua sử dụng để tái chế; phát triển công thức nhựa với tỷ lệ nhựa tái chế cao hơn.

Được biết, trong năm 2018, SCG đã chuyển đổi khoảng 313.000 tấn chất thải công nghiệp thành nguyên liệu thô tái tạo và 313.000 tấn chất thải công nghiệp thành nhiên liệu thay thế. Năm 2019, SCG tiếp tục tích hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào sản xuất sản phẩm; đặt mục tiêu giảm sản xuất nhựa sử dụng 1 lần từ 46% xuống 20% cùng tăng tỷ lệ nhựa tái chế, tái sử dụng và phân hủy sinh học lên 100% đến năm 2025.

Các DN Việt Nam và các DN ở quốc gia trên thế giới cần liên kết với nhau để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu rác thải, kể cả quần áo cũ. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục  có nhiều chính sách và khuôn khổ pháp lý để hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn.
(Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng Phòng Phát triển quan hệ đối tác- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)

 

LAN TỎA NHỮNG HÀNH ĐỘNG ĐẸP VÌ MÔI TRƯỜNG

Hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có 5.000 tỷ túi ni lông được tiêu thụ. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng, nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, trong thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng các chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị “10 năm phát triển bền vững”, SCG cũng đã tổ chức buổi họp báo. Ông Cholanat Yanaranop, Phó Chủ tịch Tập đoàn kiêm Chủ tịch ngành hóa dầu SCG trong phát biểu kết luận họp báo nhấn mạnh: SCG luôn đi đầu trong việc áp dụng các giải pháp sản xuất và sử dụng vật liệu tái chế từ nhựa; đồng thời hỗ trợ cộng đồng thay đổi nhận thức, hạn chế việc xả rác thải nhựa ra môi trường, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai.
Tại đây, ông Jim Seward, Phó Chủ tịch công ty sản xuất hóa chất LyondellBasell, thành viên của Liên minh Chấm dứt Rác thải nhựa (AEPW) đã công bố cam kết Liên minh tài trợ 1 tỷ USD cho quỹ chống rác thải nhựa khi quỹ này được khởi động đầu năm nay, và cam kết góp thêm nửa số tiền trên trong 5 năm tới.

Đến nay, phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm, đồng thuận cao. Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương đã cùng chung tay tham gia phong trào, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội về biện pháp giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, ô nhiễm từ chất thải nhựa.

Tại BR-VT, là địa phương có hơn 156km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000km2 với nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước, thời gian qua, tỉnh đã khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên của biển để phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Theo đó, ngoài khai thác dầu khí, cảng biển, đánh bắt, chế biến hải sản, tỉnh còn tập trung khai thác thế mạnh từ ngành du lịch biển - đảo. Tuy nhiên, rác thải nhựa hiện nay không chỉ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trước thực trạng này, để hạn chế rác thải nhựa, ngày 29/5, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1334/QĐ-UBND triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”. Theo đó, phong trào được thực hiện trên toàn tỉnh, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái biển.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 100 cơ quan, công sở thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, thay nước uống đóng chai tại các cuộc họp bằng các loại bình sử dụng nhiều lần. Các huyện Châu Đức, Côn Đảo, Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc… cũng đang xây dựng các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân địa phương, khách du lịch.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.