Ngành thép chủ động ứng phó trước các vụ kiện phòng vệ thương mại

Thứ Sáu, 02/08/2019, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Tính đến nay, ngành thép đã phải đối diện với 47 cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, chiếm tới 1/3 tổng số các vụ việc điều tra chống bán phá giá với hàng Việt Nam. Thép cũng là một trong những ngành sản xuất đối mặt với nhiều vụ kiện nhất khi xuất khẩu, điều này đặt ra cho các DN sản xuất thép không ít thách thức.

Các DN thép trong tỉnh đã chủ động nguồn nguyên liệu không để bị ảnh hưởng bởi “chiến tranh thương mại”. Trong ảnh: Sản xuất ống thép tại Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen.
Các DN thép trong tỉnh đã chủ động nguồn nguyên liệu không để bị ảnh hưởng bởi “chiến tranh thương mại”. Trong ảnh: Sản xuất ống thép tại Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen.

Mới đây nhất, ngày 2/7/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội và thép chống gỉ của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc. Do đó, Hải quan Mỹ đang đề nghị thu thuế lên tới 456,23% với thép nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng nguyên liệu sản xuất từ Đài Loan và Hàn Quốc. Đây được xem là mức thuế cao nhất từ trước đến nay Mỹ dành cho sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam. Toàn bộ mức thuế trên sẽ được Bộ Thương mại Mỹ áp dụng đối với tất cả lô hàng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 2/8/2019. Đây là động thái mạnh từ phía Mỹ khi họ nghi ngờ các sản phẩm thép nhập khẩu nhưng chưa rõ nguồn gốc nguyên liệu. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng, khi Mỹ áp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của Trung Quốc sẽ rất dễ dẫn đến việc các DN Trung Quốc thuê gia công sản phẩm tại nước thứ ba để xuất khẩu với mục đích lẩn tránh thuế.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện tỷ trọng nhập khẩu thép cán nóng từ Hàn Quốc và Đài Loan khoảng 15%/nước. Do đó, việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp sẽ không có tác động nhiều tới các DN sản xuất thép trong nước. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho biết: 7 tháng đầu năm, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đã xuất khẩu được gần 65.000 tấn thành phẩm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo năm 2019 doanh thu đạt hơn 60 triệu USD. Với Tập đoàn Hoa Sen, việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ không chịu nhiều ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Nguyên nhân là do thời gian qua, công ty chủ động được nguồn nguyên liệu, không sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hay Đài Loan.

Theo thống kê của Sở TNMT, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 nhà máy thép đang hoạt động với tổng công suất 4,5 triệu tấn/năm, gồm: Nhà máy thép Miền Nam, Công ty TNHH thép Tung Ho Việt Nam, Công ty TNHH thép Vinakyoei, Công ty Posco SS Vina, Nhà máy thép Pomina 2, Nhà máy thép Pomina 3. Ngoài ra còn có một số nhà máy cán thép như: Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Thép tấm lá Thống Nhất, Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ và Công ty TNHH Thép Posco Việt Nam...

Trong khi đó, theo đại diện các DN sản xuất và xuất khẩu thép như Công ty TNHH Posco Việt Nam, Công ty CP China Steel Việt Nam, các DN này không chịu ảnh hưởng nhiều từ vụ kiện phòng vệ thương mại của Mỹ. Bởi từ tháng 8/2018, thông tin Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, các DN đã “chủ động” trước bằng cách không nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan. Đại diện Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam cho biết: Các sản phẩm thép của Tung Ho hiện đang xuất sang Mỹ khoảng 30 ngàn tấn thép/năm. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu của Thép Tung Ho Việt Nam được nhập chủ yếu từ Nhật, New Zealand, Mỹ… nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi các quy định áp thuế của Mỹ.

Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ. Thời gian qua, theo chỉ đạo của Bộ Công thương, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã rà soát, phân công lại và siết chặt việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Ông Huỳnh Trung Sơn, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho rằng: Thép là một trong những ngành sản xuất đối mặt với nhiều vụ kiện nhất khi xuất khẩu. Do đó, các DN thép cần điều chỉnh nguồn cung nguyên liệu, sử dụng nguyên liệu trong nước để tránh nguy cơ bị áp thuế. Ngoài ra, các DN cần thường xuyên nắm bắt thông tin về khả năng bị kiện chống bán phá giá tại thị trường liên quan, nhằm biết trước sự việc để có đủ thời gian đối phó. Đặc biệt là từng bước chuẩn hóa hệ thống sổ sách kế toán, lưu giữ tất cả các dữ liệu có thể làm bằng chứng chứng minh không bán phá giá. Trong điều tra chống bán phá giá, các số liệu về sản xuất, bán hàng có yếu tố quyết định khả năng chứng minh của DN, vì việc này nếu không có hệ thống từ trước thì lúc xảy ra vụ kiện không thể khắc phục được, đặc biệt không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ; phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu bị liên lụy và chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số thị trường nhập khẩu.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.