NHÂN NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI (8/6) VÀ TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường

Thứ Sáu, 07/06/2019, 17:04 [GMT+7]
In bài này
.

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những nội dung chính trong chương trình hành động “Phát triển kinh tế biển BR-VT bền vững”. Theo đó, BR-VT sẽ tận dụng tối đa lợi thế từ biển để phát triển kinh tế, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường biển.

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo thả 2 cá thể rùa quý trở lại biển ở khu vực Hòn Tre Côn Đảo.
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo thả 2 cá thể rùa quý trở lại biển ở khu vực Hòn Tre Côn Đảo.

TẬN DỤNG LỢI THẾ ĐỂ PHÁT TRIỂN

BR-VT có đường bờ biển dài 312,8km với 7/8 huyện, thành phố giáp biển. BR-VT cũng là địa phương có lợi thế về cảng nước sâu và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú; là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ. Với tiềm năng đó, BR-VT có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là lĩnh vực khai thác dầu khí; thủy, hải sản; du lịch và cảng biển.

Theo định hướng của tỉnh đến năm 2020, BR-VT sẽ trở thành một tỉnh công nghiệp và cảng biển theo hướng hiện đại. Năng lực của hệ thống cảng biển BR-VT có thể bảo đảm thông qua lượng hàng hóa khoảng 101-109 triệu tấn/năm (dự kiến đến năm 2020); khoảng 133,2-149,4 triệu tấn/năm (năm 2025) và đến năm 2030 sẽ vào khoảng 161,8-195,5 triệu tấn/năm.

Ngư dân Phước Tỉnh phấn khởi sau chuyến biển đầy cá, tôm.
Ngư dân Phước Tỉnh phấn khởi sau chuyến biển đầy cá, tôm.

Ngoài cảng biển, ngành đánh bắt - chế biển hải sản cũng là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế biển. BR-VT hiện đang có 6.200 tàu đánh bắt hải sản. Những năm qua, tỉnh cũng luôn chú trọng đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống cảng cá, bảo đảm ghe tàu ra vào thuận lợi. Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 18 cảng cá đang hoạt động, trong đó, có 7 cảng có cầu cảng kiên cố. Một số cảng cá được đầu tư trang thiết bị hiện đại như: Cảng cá Hưng Thái, Lộc An… Những cảng này có thể thực hiện đầy đủ các dịch vụ hậu cần nghề cá, đồng thời cũng là nơi các tàu có thể neo đậu, tránh trú bão an toàn. Việc đầu tư nâng cấp hệ thống các cảng cá không chỉ tạo thuận lợi cho phát triển năng lực đánh bắt hải sản, mà còn góp phần bảo đảm trật tự, an ninh xã hội, tạo môi trường thu hút đầu tư của tỉnh. Dự kiến, trong năm 2020, tỉnh sẽ nâng cấp hoàn thành 5 khu neo đậu tránh trú bão có sức chứa khoảng 5.000 tàu thuyền…

Những năm gần đây, BR-VT đã tập trung xây dựng hạ tầng kết nối để phát triển cảng biển. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại cảng TCIT (TX. Phú Mỹ).
Những năm gần đây, BR-VT đã tập trung xây dựng hạ tầng kết nối để phát triển cảng biển. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại cảng TCIT (TX. Phú Mỹ).

Trong phát triển du lịch, BR-VT xác định khai thác tối đa du lịch biển, đảo. Năm 2019, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 3,53 triệu lượt khách lưu trú, tăng 14% so với năm 2018. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 điểm du lịch biển nổi tiếng cả nước và thế giới (Vũng Tàu, Long Hải và Côn Đảo) mỗi năm, thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Côn Đảo với nét hoang sơ độc đáo đang được định hướng trở thành khu du lịch quốc gia đặc sắc, mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG

Những năm gần đây, tỉnh BR-VT đã kiên trì với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, sẵn sàng từ chối các dự án hàng tỷ USD nếu không bảo đảm yếu tố bền vững, xâm hại môi trường. Cụ thể, tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế biển phải trên cơ sở tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tỉnh ủy đã triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tinh thần xuyên suốt là “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh”. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ban hành Chiến lược “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT, chiến lược này hướng đến các dự án lớn như: Điều tra, đánh giá trữ lượng và tình hình khai thác các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng vùng bờ; kiểm soát các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ và các cửa sông ven biển; điều tra, đánh giá, lập bản đồ các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đặc thù; quy hoạch mạng lưới quan trắc tổng hợp tài nguyên - môi trường biển, đảo và vùng bờ tỉnh...

Ngày Đại dương thế giới năm 2019 với chủ đề “Giới và Đại dương” là một lời kêu gọi chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh bằng cách kết nối, lan tỏa và truyền cảm hứng hướng tới bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến đại dương.

Đối với các hoạt động tổ chức Tuần lễ Biển Hải đảo Việt Nam, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2019, Bộ TN-MT yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần tập trung tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề có liên quan tới biển, đảo Việt Nam đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tám (Khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, để quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên biển, từng cơ quan đoàn thể, mỗi người dân càng phải nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo. Đây chính là “chìa khóa” để phát huy được lợi thế, tiềm năng về biển, hải đảo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.