Được giá, nông dân lại "rục rịch" tăng đàn gia cầm

Thứ Năm, 02/05/2019, 17:35 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu năm đến nay, giá gà luôn ở mức cao, người nuôi thu lãi lớn. Hiện nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng như các trang trại đang chuẩn bị tăng đàn. Tuy nhiên, khuyến cáo của cơ quan chức năng, người chăn nuôi cần theo dõi diễn biến thị trường để có giải pháp phát triển đàn phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Sơn, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức chăm sóc đàn gà của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Sơn, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức chăm sóc đàn gà của gia đình.

Xã Láng Lớn (huyện Châu Đức) là một trong những địa phương có tổng đàn gà nuôi thả vườn lớn nhất của tỉnh, có thời điểm lên đến trên 100.000 con. Tuy nhiên, do năm 2018, giá gà giảm mạnh khiến người nuôi thua lỗ, số lượng gà tại xã Láng Lớn cũng giảm chỉ còn chưa đến 50 ngàn con. Anh Nguyễn Văn Sơn (ấp Sông Xoài 4, xã Láng Lớn), người đang nuôi 2,5 ngàn con gà ta thả vườn cho biết, năm 2018, giá gà liên tục giảm, có lúc ngang với giá gà công nghiệp, khoảng 39-40 ngàn đồng/kg. Người nuôi thua lỗ từ 15-20 triệu đồng/1 ngàn con nên nhiều hộ phải ngừng nuôi. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá gà lại đột nhiên tăng mạnh. “Vừa qua, thương lái đã thu mua với giá gà trống khoảng 55-57 ngàn đồng/kg, gà mái 65-67 ngàn đồng/kg. Nhờ đó, tôi thu lãi khá, khoảng 20 triệu đồng/1 ngàn con”, anh Sơn cho hay.

Cùng với gà ta thả vườn, giá vịt thịt cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Anh Nguyễn Linh (thôn Lạc Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) cho biết, vài tháng trở lại đây, giá vịt thịt luôn ở mức cao, hiện vào khoảng 53-55 ngàn đồng/kg. Chi phí giống, thức ăn và công chăm sóc khoảng 35-40 ngàn đồng/kg thịt, mỗi vụ nuôi khoảng 2 tháng, anh Linh thu lãi 35-40 triệu đồng/1.000 con.   

Tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm tại trại gà của ông Nguyễn Văn Tân, xã Suối Rao, huyện Châu Đức.
Tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm tại trại gà của ông Nguyễn Văn Tân, xã Suối Rao, huyện Châu Đức.

Theo các trại chăn nuôi và thương lái trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân giá một số loại gia cầm tăng “nóng” là do trong một thời gian dài, các sản phẩm như gà, vịt luôn ở mức thấp, người nuôi thua lỗ nên giảm đàn khiến nguồn cung trở nên khan hiếm.

Trước thông tin các loại gia cầm đã tăng giá trở lại, nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có ý định tăng đàn. Anh Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện diện tích chuồng trại vẫn đủ để nuôi thêm, vì vậy, đợt tới, anh tăng tổng đàn lên mức 4.000-4.500 con. Anh Sơn giải thích: “Khi giá gà bắt đầu tăng thì chi phí thức ăn, giống cũng tăng theo. Ví dụ đàn tôi vừa xuất chuồng đặt mua giống khoảng 13 ngàn/con 1 ngày tuổi thì vừa qua, công ty báo giá gà giống sẽ tăng giá mạnh, thậm chí trên 20 ngàn đồng/con. Cộng với việc giá thức ăn, nhân công liên tục tăng, chi phí chăn nuôi sẽ rất cao. Tôi lo nếu giá xuống thấp thì lại lỗ nặng. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, thông thường nhu cầu về thịt gà sẽ tăng nên tôi kỳ vọng giá sẽ giữ ở mức cao”.

Theo ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện tổng đàn gia cầm của tỉnh vào khoảng 5,4 triệu con, trong đó, riêng đàn gà khoảng 3,8 triệu con, tăng 300 ngàn con so với cuối năm 2018. Qua khảo sát, do giá gia cầm ở mức cao nên nhiều người chăn nuôi tiếp tục có ý định tăng đàn. Điều này sẽ khiến nguồn cung có nguy cơ dư thừa. Ông Sỹ khuyến cáo: “Bà con cần thận trọng trong việc tăng đàn gia cầm để tránh cung vượt cầu. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị giao mùa, vật nuôi dễ mắc dịch bệnh. Vì vậy, các hộ chăn nuôi cần chăm lo tốt vệ sinh chuồng trại, chú trọng tiêm phòng đầy đủ”.

Ngoài ra, chăn nuôi gia cầm hiện nay còn hạn chế trong liên kết sản xuất, tình trạng mất cân đối cung - cầu do chăn nuôi nông hộ còn nhiều, giá thành sản phẩm còn cao, dịch bệnh luôn đe dọa. Do đó, ngành chăn nuôi cần phải có định hướng và các giải pháp để phát triển bền vững đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.