Nông dân hưởng lợi kép nhờ trồng lúa VietGap

Thứ Tư, 26/12/2018, 16:30 [GMT+7]
In bài này
.

Thay vì trồng lúa theo cách truyền thống, 40 hộ dân ở xã An Nhứt (huyện Long Điền) đã mạnh dạn thử nghiệm trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGap. Không chỉ giảm chi phí, tăng năng suất, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP còn tạo ra nông sản chất lượng cao, đồng đều, an toàn cho người dùng và môi trường. 

Cán bộ HXT Nông nghiệp và dịch vụ An Nhứt triển khai kế hoạch vụ mới.
Cán bộ HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhứt triển khai kế hoạch vụ mới.

NÔNG DÂN PHẤN KHỞI  

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ An Nhứt là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thử nghiệm trồng 20ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP từ tháng 5-2016. Sau hơn 2 năm, mô hình đã mang lại hiệu quả đáng kể, bà con nông dân phấn khởi vì lúa được mùa, được giá. 

Trò chuyện với chúng tôi khi đang thu hoạch 5ha lúa, ông Phan Đức Đạt (ấp An Lạc, xã An Nhứt) hồ hởi chia sẻ: “Thời gian đầu, được cán bộ xã vận động trồng lúa theo chuẩn VietGAP, gia đình cũng băn khoăn nhưng vẫn mạnh dạn làm. Sau vụ đầu tiên, thấy bông lúa to, đều, lại không bị bệnh bạc lá, giá bán cao hơn nên tôi an tâm triển khai mô hình”. Ông Đạt cho biết thêm, khi tham gia mô hình, các hộ dân được cán bộ địa phương xuống tận ruộng hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo cấy tập trung, bón phân cân đối nên cây lúa cứng, ruộng thông thoáng. “Cái được nhất khi làm lúa theo chuẩn VietGAP là tỷ lệ, mật độ sâu hại thấp và giảm nhiều so với việc cấy lúa thông thường. Nhờ đó, nông dân không chỉ giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giảm chi phí sản xuất mà còn bảo đảm được sức khỏe, có thêm thời gian làm việc khác”, ông Đạt nói.

Cùng tham gia mô hình cây lúa VietGAP, ông Huỳnh Văn Hoàng (ấp An Trung, xã An Nhứt) cho biết, với 1ha lúa VietGAP, ông thu hoạch 5,6 tấn thóc. “So với cách làm thông thường, sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP giảm được khá nhiều chi phí. Nhờ giảm lượng giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào chăm sóc, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi lãi được hơn 15 triệu đồng/ha”, ông Hoàng cho hay.

TÌM HƯỚNG MỞ RỘNG DIỆN TÍCH

Trước khi triển khai mô hình, HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhứt đã mời cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh về khảo sát, thẩm định, đánh giá chất lượng đất, nguồn nước… Bên cạnh đó, HTX phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cho xã viên. Tham gia mô hình, xã viên phải thực hiện đúng tiêu chuẩn VietGAP với 65 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí bắt buộc như: ghi chép sổ nhật ký sản xuất, sử dụng các giống lúa xác nhận chất lượng cao, sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong danh mục cho phép, phun xịt thuốc BVTV đảm bảo thời gian cách ly theo quy định…

Nông dân xã An Nhứt thu hoạch lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nông dân xã An Nhứt thu hoạch lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Quá trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được HTX áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu; giảm lượng phân đạm, tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế) và “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống tốt-giống xác nhận, giảm giống, giảm phân đạm, giảm lượng thuốc BVTV, giảm nước tưới, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch). 

Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình sản xuất lúa sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhứt đã mang lại hiệu quả tích cực cả về mặt kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Năng suất lúa bình quân tăng không nhiều so với sản xuất lúa thông thường, nhưng chi phí đầu tư thấp hơn từ 1-2 triệu đồng/ha/vụ. Giá lúa tươi tại ruộng được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn giá các loại lúa ngoài mô hình 200 đồng/kg. Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX cho hay, áp dụng sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP, nông dân phải ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng phân gì, ngày nào, giống lấy từ đâu? Mỗi năm nông dân xuống giống 3 vụ, bình quân năng suất đạt 6-6,5 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng 15-20 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Trần Công Danh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt, nông dân tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn về kỹ thuật. Ngoài ra, toàn bộ sản phẩm lúa VietGAP được DNTN Thuận Thành (TP. Vũng Tàu) bao tiêu sản phẩm. Điều này khiến nông dân yên tâm vì có đầu ra ổn định. “Tuy nhiên, hiện nay mới có 20/430ha lúa của xã An Nhứt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm đầu ra cho nông dân. Khi ký được hợp đồng bao tiêu thêm sản phẩm, nông dân của xã sẽ mở rộng diện tích trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP”, ông Danh cho hay.

Bài ảnh: MINH THANH, HỮU THUẬN

;
.