Phiên họp thứ 16 Thường trực HĐND tỉnh: Không để lãng phí tiềm năng kinh tế sông

Thứ Sáu, 07/09/2018, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 7-9, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên họp thứ 16. Phiên họp đã xem xét, cho ý kiến về các báo cáo: Báo cáo giám sát chuyên đề về công tác lập quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, cấp phép các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, sông Dinh và công tác quản lý hoạt động của các nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên sông Chà Và, sông Dinh và sông Mỏ Nhát; Báo cáo giám sát chuyên đề về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; Triển khai Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Các dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, nội dung các tờ trình do UBND tỉnh trình…

Chủ tọa Phiên họp gồm các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

SỚM BAN HÀNH QUY HOẠCH KHU NUÔI CÁ LỒNG BÈ

Đồng chí Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, Tổng Biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh,. Ảnh: NGỌC NGUYỄN
Đồng chí Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, Tổng Biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NGỌC NGUYỄN

Báo cáo tại Phiên họp, đồng chí trần Phúc Chỉnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho hay, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 354 cơ sở nuôi thủy sản (12 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 1 Phân viện nghiên cứu và 340 hộ dân), với 8.981 lồng, thu hút 841 lao động sinh sống và làm việc trên các lồng bè. Cá lồng bè nuôi được phân bố tại các sông Chà Và, sông Dinh, sông Mỏ Nhát, sông Rạng, sông Cửa Lấp. Việc nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh là nguồn cung cấp nguồn thủy sản không nhỏ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, tăng thêm thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Nếu được tổ chức tốt, hoạt động trên sẽ góp phần tạo nên một nét văn hóa, sản phẩm du lịch của địa phương, đồng thời tạo nguồn thu tương đối lớn cho địa phương.

Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Phúc Chỉnh, qua giám sát cho thấy, vùng quy hoạch chưa được kiểm soát, các lồng bè chưa tổ chức đúng theo quy hoạch được phê duyệt. Một số bè vi phạm hành lang an toàn cầu, lấn chiếm luồng giao thông đường thủy (khu vực sông Chà Và); chiếm khu vực neo đậu tránh trú bão của tàu thuyền (khu vực sông Dinh). Một số hộ dân còn tự ý thả bè nuôi và di dời qua lại giữa các khu nuôi, tạo nên hiện tượng tăng - giảm liên tục tại một số khu vực. Hiện nay, các vấn đề nóng về môi trường nuôi cá lồng bè tạm lắng, nhưng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, do mật độ nuôi chưa đảm bảo; một số máy móc phục vụ nuôi trồng thủy sản, trong quá trình hoạt động làm rò rỉ dầu nhớt xuống sông; thức ăn nuôi cá dư thừa bám vào lồng, khuếch tán vào nguồn nước. Trong quá trình vệ sinh lồng bè, nhiều chủ cơ sở đang xả thải thẳng ra sông. Các cơ quan chuyên môn về môi trường thuộc cấp huyện còn lúng túng trong quá trình quản lý. Trong khi đó, thông tin từ trạm quan trắc môi trường duy nhất trên sông Chà Và chưa được chia sẻ và bàn giao cho đơn vị cấp huyện quản lý…

Sau khi nghe ý kiến của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và các đại biểu HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đầy đủ 6 nội dung kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh; lập lại trật tự của việc nuôi lồng bè trên sông, không để phát triển tràn lan, tự phát. Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, Kinh tế sông là lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh; Kinh tế sông phải đem lại lợi ích cho tỉnh và cho người dân. Do đó, UBND tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để Sở NN-PTNT sớm hoàn thành quy hoạch toàn lưu vực sông trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu sản xuất, nuôi cá, có khu dịch vụ ăn uống cụ thể, rõ ràng và ban hành tiêu chuẩn về lồng bè, tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản, tạo hành lang pháp lý để áp dụng, thực hiện. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ giảm 50% số lượng lồng bè, tuy nhiên UBND tỉnh cần nghiên cứu, xem xét, nếu giảm 50% mà chưa bảo đảm môi trường sinh thái sông thì phải giảm thêm. Các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp trong việc quản lý nuôi cá lồng bè và kinh doanh ăn uống trên sông, bảo đảm vệ sinh môi trường. 

BẢO ĐẢM CƠ BẢN CÁC QUYỀN CỦA TRẺ EM YẾU THẾ

Nếu quản lý tốt thì nuôi trồng thủy sản trên sông sẽ góp phần tạo thêm những nét văn hóa, sản phẩm du lịch của địa phương, tạo nguồn thu đáng kể cho tỉnh. Trong ảnh: Nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và.
Nếu quản lý tốt thì nuôi trồng thủy sản trên sông sẽ góp phần tạo thêm những nét văn hóa, sản phẩm du lịch của địa phương, tạo nguồn thu đáng kể cho tỉnh. Trong ảnh: Nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và.

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, Tổng Biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn tỉnh có 29 cơ sở ngoài công lập tổ chức nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với 772 trẻ (gồm 3 cơ sở nuôi dưỡng thuộc tổ chức công giáo, 26 cơ sở nuôi dưỡng thuộc tổ chức phật giáo, tập trung chủ yếu tại địa bàn TX. Phú Mỹ). Qua khảo sát thực tế, một số ít cơ sở được xây dựng khá khang trang, phòng ở, sinh hoạt riêng cho từng đối tượng, lứa tuổi, có diện tích tương đối rộng, thoáng mát, có khu vệ sinh riêng, có khu vui chơi cho các trẻ. Đa số các trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng chu đáo, được chăm lo tốt về vật chất, tinh thần. Các trẻ đến tuổi được cho đi học tại các trường công lập của địa phương, các cháu đến trường có xe đưa đón hàng ngày. Tuy nhiên, đa số các cơ sở tham gia hoạt động bảo trợ xã hội nuôi dạy trẻ tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh là do tự phát, chưa được chính quyền cho phép (20/29 cơ sở chưa được chính quyền cho phép). Các cơ sở ngoài công lập thuộc tổ chức Phật giáo, bao gồm cả những cơ sở đã được cấp phép, đa số chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định về cơ sở vật chất, nhân sự, nơi ăn ở của trẻ còn chật chội, thiếu an toàn, vệ sinh chưa đảm bảo; nhiều cơ sở không có khu vui chơi dành riêng cho các em, nơi ở của trẻ còn ở chung trong khu thờ tự, không có khu riêng biệt; trẻ vị thành niên nam-nữ còn ở chung một phòng; công tác quản lý trẻ còn buông lỏng. Hầu hết người trông coi, chăm sóc trẻ không có chuyên môn nghiệp vụ nuôi dạy trẻ. 

Kết luận về kết quả giám sát về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chế độ và là trách nhiệm của Nhà nước. Chủ trương của tỉnh là khuyến khích xã hội hóa để giảm gánh nặng cho Nhà nước. Nhưng xã hội hóa hoạt động này phải đúng pháp luật, đầy đủ các tiêu chuẩn về nuôi dưỡng trẻ (cơ sở vật chất, người trông coi, người chăm sóc trẻ, chế độ dinh dưỡng cho trẻ…), bảo đảm cơ bản quyền con người, quyền trẻ em (được đi học, ốm đau được trị bệnh, được làm giấy khai sinh, hộ khẩu, không bị đánh đập..). Không được lợi dụng việc nuôi dưỡng trẻ để lam điều sai trái, thu lợi bất chính. Do đó, phải tăng cường kiểm tra và giám sát các cơ sở nuôi dưỡng trẻ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngoài công lập. “Sở LĐTBXH nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ, nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở nuôi dưỡng trẻ ngoài công lập bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo hình thức hợp tác công tư. Đồng thời, Sở phải rà soát kỹ những cơ sở nuôi dưỡng trẻ ngoài công lập, nếu đủ tiêu chuẩn thì cấp phép, chưa đủ tiêu chuẩn thì hỗ trợ, nếu không đạt chuẩn thì kiên quyết xóa bỏ”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu.

PHÚC LƯU-QUANG VŨ

;
.