.

DN đổi thay tích cực nhờ áp dụng phương pháp quản lý của Nhật Bản

Cập nhật: 15:14, 09/07/2018 (GMT+7)

Sau thời gian áp dụng mô hình, phương pháp quản lý của Nhật Bản đã đem đến những đổi thay tích cực cho 2 DN của tỉnh BR-VT trong quản lý con người, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Theo các chuyên gia Nhật Bản, mô hình này cần được nhân rộng cho các DN vừa và nhỏ trong tỉnh.

TĂNG HIỆU QUẢ SẢN XUẤT, KINH DOANH

Sau khi áp dụng phương pháp quản lý của Nhật Bản, doanh thu của Công ty CP Liên hợp Mê Kông (TP.Vũng Tàu) và thu nhập của người lao động đã tăng 15-20%. Trong ảnh: Sản xuất cáp vải tại Công ty CP Liên hợp Mê Kông.
Sau khi áp dụng phương pháp quản lý của Nhật Bản, doanh thu của Công ty CP Liên hợp Mê Kông (TP.Vũng Tàu) và thu nhập của người lao động đã tăng 15-20%. Trong ảnh: Sản xuất cáp vải tại Công ty CP Liên hợp Mê Kông.

Sau hơn 1 năm tham gia Dự án “Phát triển nguồn nhân lực cho các định chế hỗ trợ DN nhỏ và vừa tỉnh BR-VT” do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ kinh phí, Phòng Công nghiệp - Thương mại TP.Sanjo (Nhật Bản) phối hợp với Sở Công thương BR-VT thực hiện, Công ty CP Liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) đã có sự thay đổi tích cực. Văn phòng, xưởng sản xuất của công ty luôn ngăn nắp, sạch sẽ, vật tư, máy móc, thiết bị được sắp xếp theo từng chủng loại và được ký hiệu rõ ràng, chi phí sản xuất của DN được tiết kiệm đáng kể, năng suất lao động tăng.

Ông Đào Hoài Bắc, Giám đốc Công ty CP Liên hợp Mê Kông cho biết: Trước đây, việc quản lý tại công ty chủ yếu là chỉ thị một chiều từ cấp quản lý đến nhân viên, chưa có sự phối hợp tốt giữa các phòng, ban nên hiệu quả công việc không cao. Ở khu vực sản xuất, máy móc thiết bị, vật tư còn lộn xộn, khiến việc xuất vật tư mất nhiều thời gian và công sức, dẫn đến tăng chi phí sản xuất. Từ thực tế này, các chuyên gia Nhật Bản đã hỗ trợ lãnh đạo công ty công tác quản trị nhân sự, sắp xếp vật tư hàng hóa, xây dựng mối quan hệ trong DN, đề xuất các giải pháp để nâng cao thu nhập, tạo sự hài lòng của người lao động. Cụ thể, trong quản trị nhân sự, công ty được học cách xây dựng văn hóa công sở, mối quan hệ tương tác trong công việc, cách xử lý tình huống và môi trường làm việc thân thiện, lành mạnh. Đó là mỗi sáng đầu tuần, Ban Giám đốc công ty đều gặp gỡ người lao động để trao đổi về công việc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Điều này vừa tăng sự đoàn kết, vừa giúp lãnh đạo công ty điều chỉnh kịp thời những chính sách chưa phù hợp. Trong quá trình triển khai công việc, nhân viên có cơ hội được đóng góp ý kiến, được trực tiếp đánh giá năng lực cá nhân của từng người. Mọi công đoạn đều được xây dựng kế hoạch cụ thể, được giám sát chặt chẽ và đều có sự đánh giá của đối tác, khách hàng. Xưởng sản xuất cũng được chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, sắp xếp lại theo mô hình quản lý 5S. Theo đó, mọi vật tư, thiết bị đều được phân loại tỉ mỉ, sắp xếp theo từng ô, từng kệ và có bảng ghi chú rõ ràng. Cách làm này giúp cán bộ, nhân viên có thể dễ dàng cấp, xuất vật tư, hàng hóa mà không phải mất công tìm kiếm như trước đây.

Nhờ áp dụng mô hình quản lý mới đã giúp công ty giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực. Trong 2 năm 2016-2017, mức tăng trưởng của công ty đạt 52,98%. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, mức tăng trưởng đã đạt 47,29% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến năm 2018, doanh thu công ty tăng 15-20%; Thu nhập của người lao động cũng tăng từ 15-20%. Bên cạnh đó, văn hóa DN cũng thay đổi theo hướng tích cực, giữa lãnh đạo và nhân viên luôn có sự tương tác, sẻ chia. Việc đánh giá hiệu quả công việc, các chế độ chính sách và phúc lợi xã hội được công khai.

Còn tại Công ty CP Kỹ thuật cửa Huynh Đệ (42A đường 30-4, TP.Vũng Tàu), trước khi tham gia Dự án, nhân sự của công ty không ổn định, tỷ lệ nhân viên không an tâm và không tự hào vì được làm việc trong công ty khá cao, lên đến hơn 70%. Xưởng sản xuất của công ty lộn xộn, công tác an toàn lao động chưa được chú trọng. Sau khi khảo sát thực tế, các chuyên gia Nhật Bản đã chỉ ra những điểm yếu mà lãnh đạo công ty cần phải thay đổi. Bài học lớn nhất công ty nhận được từ các chuyên gia Nhật Bản là trước khi trở thành đối tác tin cậy của khách hàng thì phải làm cho nhân viên yên tâm và hạnh phúc khi làm cho công ty. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để nhân viên phát huy hết thế mạnh của bản thân và làm cho nhân viên luôn cảm thấy có ích khi làm việc cho công ty. Qua khóa đào tạo, tập huấn của các chuyên gia Nhật Bản, việc quản lý nhân sự tại công ty được cải thiện, không còn tình trang giao việc bằng mệnh lệnh một chiều, mà giữa lãnh đạo, quản lý và người lao động đã có sự tương tác, trao đổi cụ thể.

Công ty CP Kỹ thuật cửa Huynh Đệ (TP.Vũng Tàu) đã có nhiều đổi thay tích cực sau khi áp dụng phương pháp quản lý của Nhật Bản. Trong ảnh: Sản xuất cửa nhôm tại Công ty CP Kỹ thuật cửa Huynh Đệ.
Công ty CP Kỹ thuật cửa Huynh Đệ (TP.Vũng Tàu) đã có nhiều đổi thay tích cực sau khi áp dụng phương pháp quản lý của Nhật Bản. Trong ảnh: Sản xuất cửa nhôm tại Công ty CP Kỹ thuật cửa Huynh Đệ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật cửa Huynh Đệ cho biết: “Việc áp dụng quản lý theo phương pháp của Nhật Bản đã giúp chúng tôi rất nhiều. Hàng ngày, Ban giám đốc đều xuống tận xưởng kiểm tra hoạt động sản xuất, trò chuyện với công nhân về công việc, về cuộc sống để có những điều chỉnh kịp thời. Với bản thân tôi, phương pháp này giúp tôi hiểu được tính cách, tay nghề của từng nhân viên, từ đó xây dựng kế hoạch công việc cụ thể cho từng người. Không những thế, nhờ vật tư, thiết bị, hàng hóa đều được sắp xếp ngăn nắp theo từng chủng loại và có bảng biểu chi tiết tên, cách sử dụng nên việc cấp xuất vật tư, hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện”.

Theo bà Trần Thị Hương, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật cửa Huynh Đệ, nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản, khu sản xuất được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, qua đó giúp công ty tiết kiệm 30% chi phí, nhân công. Mức tăng trưởng của công ty cũng tăng lên rõ rệt sau khi tham gia Dự án (tháng 6-2017). Cụ thể, doanh thu năm 2016 đạt hơn 6,38 tỷ đồng, đến năm 2017 đã tăng lên hơn 9 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2018, công ty dự kiến đạt doanh thu 12,5 tỷ đồng.

CẦN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Sau khi áp dụng phương pháp quản lý của Nhật Bản, doanh thu của Công ty CP Liên hợp Mê Kông (TP.Vũng Tàu) và thu nhập của người lao động đã tăng 15-20%. Trong ảnh: Công nhân cán thép tại Công ty CP Liên hợp Mê Kông. Ảnh: VÂN ANH
Sau khi áp dụng phương pháp quản lý của Nhật Bản, doanh thu của Công ty CP Liên hợp Mê Kông (TP.Vũng Tàu) và thu nhập của người lao động đã tăng 15-20%. Trong ảnh: Công nhân cán thép tại Công ty CP Liên hợp Mê Kông.

Theo đánh giá của ông Keiichiro Nakagawa, Trưởng Quản lý Dự án, qua việc hướng dẫn các kinh nghiệm quản lý, điều hành theo phương pháp Nhật Bản đã giúp DN hiểu rõ hơn cách điều hành cũng như tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực, gắn kết nội bộ công ty, quản lý công việc theo phương pháp khoa học, hợp lý. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển phương pháp này, các DN phải thực hiện thường xuyên và cải tiến hàng ngày trong việc quản lý nhân lực cũng như trong sản xuất.

Ông Keiichiro Nakagawa cho rằng, các DN cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, chăm lo đời sống người lao động, xây dựng văn hóa DN. 2 DN được chọn tham gia dự án đã có những thay đổi tích cực trong quản lý nhân sự cũng như trong sản xuất kinh doanh. Qua kết quả đạt được của dự án, phía Nhật Bản mong thời gian tới, 2 mô hình này sẽ được nhân rộng đến các DN vừa và nhỏ khác trong tỉnh BR-VT. Bên cạnh đó, tỉnh cần hỗ trợ DN tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ về vốn. Hiệp hội DN vừa và nhỏ cần thể hiện hơn nữa vai trò cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với DN trong việc nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN để tham mưu cho ngành chức năng đề xuất những chính sách hỗ trợ DN.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THÀNH LONG, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH:

Tăng cường hỗ trợ DN vừa và nhỏ

Dự án “Phát triển nguồn nhân lực cho các định chế hỗ trợ DN nhỏ và vừa tỉnh BR-VT” đã giúp 2 DN vừa và nhỏ của tỉnh nâng cao trình độ quản lý, điều hành theo phong cách hiện đại, khoa học. Để kết quả của Dự án lan tỏa, thời gian tới, 2 DN này cần chia sẻ kinh nghiệm với các DN khác để nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Các DN cần quan tâm, đề cao vai trò của nguồn nhân lực trong sự phát triển của đơn vị để tạo ra lợi thế cạnh tranh, đồng thời tích cực chuẩn bị nội lực, tham gia quá trình hội nhập quốc tế để tận dụng thật tốt cơ hội hợp tác giao thương quốc tế. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan của tỉnh cần tích cực thực hiện các chương trình đã được xây dựng tại Kế hoạch hỗ trợ DN vừa và nhỏ, đặc biệt là chương trình mở rộng chức năng cho Trung tâm Khuyến công, chương trình đưa tu nghiệp sinh sang TP.Sanjo và các nội dung về nâng cao năng lực cho DN.

 

.
.
.