.

Lấy logistics làm động lực tăng trưởng kinh tế

Cập nhật: 19:09, 08/09/2023 (GMT+7)

Đó là nội dung chính được bàn luận tại diễn đàn “Liên kết phát triển logistics - động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND tỉnh đồng tổ chức vào ngày 8/9.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu thăm gian hàng trong khuôn khổ diễn đàn “Liên kết phát triển logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ”. Ảnh: TRÀ NGÂN
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu thăm gian hàng trong khuôn khổ diễn đàn “Liên kết phát triển logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ”. 

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự diễn đàn. 

 Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng và cơ hội để logistics phát triển

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Đông Nam Bộ được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.  Hiện Vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 DN cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số DN logistics cả nước. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), Cái Mép-Thị Vải (CM-TV).

Các đại biểu tham gia thảo luận tại diễn đàn.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại diễn đàn.

Trong khi đó, là một trong những địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục đường xuyên Á, Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu được xếp loại đặc biệt của quốc gia có thể tiếp nhận tàu container trọng tải 80.000 - 250.000 tấn (6.000-24.000 TEU), đồng thời giữ vai trò cửa ngõ hướng ra biển của vùng. Với hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại và đang tiếp tục được đầu tư để hình thành được hệ thống giao thông đa phương thức, kết nối liên hoàn, đồng bộ, giữa hệ thống cảng CM-TV - Trung tâm logistics Cái Mép Hạ - Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM - các trung tâm dịch vụ logistics, các KCN, đô thị trong vùng Đông Nam Bộ… Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển bứt phá.

Có thể thấy, so với các địa phương nằm trong vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều yếu tố thuận lợi hơn để phát triển ngành dịch vụ logistics.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin,  từ lâu Bà Rịa-Vũng Tàu đã là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng. Với các điều kiện thuận lợi nêu trên, ngành logistics đã được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh, là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh khá đa dạng, từ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ khác. Toàn tỉnh hiện có hơn 300 DN kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa, kinh doanh dịch vụ kho bãi logistics, 69 bến cảng biển được quy hoạch với 50 dự án đang hoạt động với tổng công suất thiết kế là 152 triệu tấn/năm. Đây là tiềm năng, là động lực quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á. Tỉnh hội đủ các điều kiện để phát triển trung tâm logistics và cảng biển trung chuyển quốc tế. 

Tạo đột phá từ khu thương mại tự do

Nhìn nhận về vai trò của liên kết vùng trong phát triển kinh tế và logistics vùng Đông Nam Bộ, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển của ngành logistics nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung ở vùng Đông Nam Bộ vẫn phải đối diện với các “điểm nghẽn”. Trong đó, nổi bật là các vấn đề về cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn, ngay cả với Bà Rịa-Vũng Tàu, dịch vụ logistics trên địa bàn được đánh giá là khá đa dạng, từ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ khác, song trình độ phát triển của các dịch vụ logistics vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một trung tâm quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ về vận tải biển và đa phương thức.

Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển có bước phát triển nhanh, nhưng hệ thống dịch vụ kho bãi, trung tâm logistics sau cảng chưa theo kịp xu thế, thiếu hụt các dịch vụ logistics như mạng lưới dịch vụ kho tổng hợp hàng hóa, ICD, kho lạnh, dịch vụ về container như vệ sinh, sửa chữa, cung cấp pallet, đóng gói hàng hóa theo yêu cầu… Ngoài ra, việc liên kết giữa các DN sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả.

Để tháo gỡ điểm nghẽn này, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đưa ra chủ trương “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”, đây là một chủ trương mới, nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ, đóng vai trò làm “đầu tàu” kéo theo sự phát triển của cả vùng và cả nước.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, việc hình thành phát triển khu thương mại tự do sẽ giúp Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung tạo đột phá trong phát triển kinh tế bởi các lợi ích hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh của địa phương và khu vực, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ trực tiếp tại nội khu thương mại tự do, tạo ra cơ hội mời gọi các DN hàng đầu thế giới tới tham gia hoạt động và đầu tư.

Theo Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 8/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch 69 dự án cảng biển, trong đó có 50 dự án cảng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 150 triệu tấn/năm. Hiện tại, tỉnh có 8 dự án cảng container lớn với công suất 8,3 triệu TEU/năm, trong đó cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong 19 cảng lớn của thế giới đón được “siêu” tàu lớn nhất hiện nay. Nhờ hệ thống cảng biển nước sâu mà kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục tăng.

Chia sẻ thêm một số kiến nghị phát triển khu thương mại tự do, bà Trần Thị Hồng Minh,Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tỉnh cần xác định địa điểm, quy mô xây dựng khu thương mại tự do trên địa bàn tỉnh, phù hợp với các quy hoạch liên quan, thực trạng và định hướng phát triển kết nối giao thông, dịch vụ (trong đó có dịch vụ logistics) ở quy mô vùng và liên vùng. Tỉnh cần đặc biệt trao đổi, lắng nghe ý kiến của cộng đồng nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. Việc rà soát các chính sách kinh tế-thương mại và các chính sách liên quan, trong đó có cả các chính sách phát triển nguồn nhân lực, phát triển các tiện ích phục vụ hoạt động của DN trong khu thương mại tự do cũng cần được quan tâm. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nghiên cứu, kiến nghị thành lập mô hình tổ chức, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả, gắn với tư duy và phương thức quản trị hiện đại, minh bạch, có đo lường kết quả rõ ràng đối với hoạt động của khu thương mại tự do. 

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.