Khoa học công nghệ thúc đẩy sự phát triển của xã hội

Thứ Năm, 15/08/2019, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 15/8, tại TP. Vũng Tàu, Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ KH-CN và UBND tỉnh BR-VT tổ chức hội thảo khoa học “Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tham dự có các ông: Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và Môi trường; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Giống lúa hữu cơ Ong Biển canh tác trên vùng đất Quảng Trị cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Giống lúa hữu cơ Ong Biển canh tác trên vùng đất Quảng Trị cho năng suất cao, chất lượng tốt.

SÁNG TẠO Ở MỌI LĨNH VỰC 

Báo cáo tại hội thảo Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam  cho thấy, trong 24 năm qua đã có 2.460 công trình tham gia giải thưởng và 812 công trình đạt giải thưởng KH-CN. Các công trình đạt giải được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các DN, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) cho biết, giải thưởng đã tập hợp được lực lượng đông đảo các nhà KH-CN trên cả nước từ các viện nghiên cứu, các trường đại học và DN. Đây cũng là sân chơi bổ ích, động viên khuyến khích và tôn vinh các nhà sáng tạo. Năm 2018, có 101 công trình tham gia giải thưởng với 6 lĩnh vực: cơ khí tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; lĩnh vực công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; lĩnh vực công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Trong đó có nhiều công trình có giá trị thực tiễn cao như: Nghiên cứu cải tiến xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ nhiệm vụ giữ gìn hòa bình; ứng dụng giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong lĩnh vực y tế; bể lắng lọc thông minh, chất lượng cao thân thiện với môi trường…

BR-VT cũng là một trong những địa phương có nhiều tập thể và cá nhân đạt giải thưởng về KH-CN. Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong những năm qua đội ngũ trí thức KH-CN của tỉnh đã có những đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thành tích trong hoạt động, nghiên cứu khoa học của đội ngũ trí thức tỉnh thể hiện ở rất nhiều công trình KH-CN mà tiêu biểu là 18 công trình đoạt  giải KH-CN toàn quốc (VIFOTEC), 3 Huy chương Vàng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO). Đặc biệt năm 2016 đã có 3 cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 1 Giải thưởng Nhà nước về KH-CN. Đó là những thành tích đặc biệt xuất sắc về KH-CN của đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh  BR-VT.

KHUYẾN KHÍCH ỨNG DỤNG THỰC TIỄN

Có thể kể đến công trình “Giống lúa hữu cơ Ong Biển BR-VT” - một trong những công trình khoa học đạt giải thưởng VIFOTEC năm 2018 của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nam. Ông Trần Ngọc Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nam cho biết, năm 2016 với mong muốn tạo ra được sản phẩm nông sản sạch, thân thiện môi trường, bảo đảm quyền của người tiêu dùng, sức khỏe cho cộng đồng, ông đã quyết định liên kết với bà con nông dân ở Quảng Trị, Thái Bình, một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ bằng công thức “bón phân và tưới nước”. Mới đây, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nam đã công bố 2 hợp chất Momilactone A (MA) và Momilactone B (MB) - là những hợp chất có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, cũng như bệnh gút có trong gạo hữu cơ Ong Biển. Theo mô hình này, lúa được máy chuyên dụng cấy theo hình tam giác đều lấy được ánh sáng nhiều, quang hợp tốt nên hạt gạo ngon hơn. “Mô hình chuỗi liên kết này đến nay đã thực hiện được 3 năm và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Năng suất lúa ổn định khoảng 8 tấn/ha (cao hơn 50% so với phương pháp canh tác thông thường). Hiện tại, chúng tôi đã trồng tại Kiên Giang 3.000ha; Thái Bình 1.000ha và Quảng Trị đã có 2.000ha trồng theo mô hình gạo hữu cơ Ong Biển. Dự kiến sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng tại Quảng Trị lên 50.000ha”, ông Nam cho biết.

Trong khuôn khổ hội thảo, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sáng tạo KH-CN Việt Nam cho 8 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc hỗ trợ tài năng sáng tạo KH-CN Việt Nam giai đoạn 2018-2019. Ngoài ra, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 12 cá nhân là chủ nhiệm các công trình đạt giải thưởng sáng tạo KH-CN Việt Nam, đạt các Huy chương Vàng, Bạc tại triển lãm quốc tế KH-CN năm 2018 tại Hàn Quốc; các công trình đạt giải thưởng được ứng dụng xuất sắc vào sản xuất và đời sống, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Việt Nam có nhiều tiến bộ trong một số lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong sản xuất, sinh học, tự động hóa, công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên và thể chế hỗ trợ đổi mới, sáng tạo. Nhưng trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam cần tiếp tục phát triển các ngành khoa học cơ bản, khoa học nền tảng, khoa học mang tính sáng tạo cao. Đồng thời đẩy mạnh các ngành khoa học ứng dụng, tận dụng những ưu thế của KH-CN thế giới để có những bước đi hợp lý. Trong đó, chính sách đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực, chính sách đãi ngộ nhà khoa học nhằm duy trì nguồn nhân lực hiện có và khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực tương lai mang tích chất quyết định. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích hoạt động cải tiến, ứng dụng KH-CN vào đời sống, giải quyết các vấn đề của cuộc sống đang đặt ra, của mọi thành phần, mọi người lao động.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.