Dấu ấn chuyển đổi số trong du lịch

Thứ Sáu, 22/11/2024, 18:24 [GMT+7]
In bài này
.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và quảng bá, cung cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ đang mang lại cho các cơ quan chuyên môn, du khách, DN nhiều tiện ích.

Số hóa du lịch giúp du khách có cái nhìn tổng thể để khám phá điểm đến tốt hơn.  Trong ảnh: Giao diện bản đồ 3D 3600 du lịch Côn Đảo.
Số hóa du lịch giúp du khách có cái nhìn tổng thể để khám phá điểm đến tốt hơn. Trong ảnh: Giao diện bản đồ 3D 3600 du lịch Côn Đảo.

Quảng bá điểm đến

Đến tham quan Miếu Bà Phi Yến (Côn Đảo), du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh có kết nối Internet quét mã QR ngay lối vào để truy cập vào phần thuyết minh tự động giới thiệu về di tích thay cho việc nhờ hướng dẫn viên. “Bài thuyết minh rất rõ ràng, dễ hiểu, có cả phần giới thiệu sơ lược và chi tiết về di tích để du khách chọn. Giao diện còn hiển thị hình ảnh đẹp và phần góp ý để du khách bình luận, đánh giá…”, chị Nguyễn Hằng Thu (du khách đến từ Hà Nội) nhận xét. 

Sử dụng mã QR để truy cập Audio guide (hệ thống thuyết minh tự động) là điểm mới dễ thấy nhất của chuyển đổi số trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 170 di tích, điểm đến đã được dán mã QR để khách truy cập Audio guide. Điểm đáng chú ý phần thuyết minh tự động ở mỗi di tích, điểm đến có đến 7 ngôn ngữ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của các dòng khách phổ biến gồm: Anh, Hàn, Nhật, Pháp, Nga, Trung và Việt.

Bên cạnh số hóa di tích, ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 để du khách tìm hiểu từ xa thông qua máy tính, điện thoại thông minh cũng được Bà Rịa-Vũng Tàu làm rất tốt.

Đầu năm 2024, bản đồ Bà Rịa-Vũng Tàu 3600 chính thức ra mắt tại địa chỉ https://bariavungtau360.vn/. Công nghệ thực tế ảo liên kết ảnh giúp người dùng sử dụng điện thoại hoặc máy tính truy cập dễ dàng quan sát Bà Rịa-Vũng Tàu với đầy đủ góc nhìn, từ tổng quan đến chi tiết từng địa danh theo chủ đề. Các địa điểm hiển thị trên bản đồ đều tích hợp Google map giúp cung cấp cụ thể, chi tiết vị trí, thông tin địa điểm. Bản đồ thực tế ảo Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành mảnh ghép quảng bá tiềm năng, nét đẹp vào bản đồ du lịch và thu hút đầu tư cả nước.

Trước đó, tháng 9/2023, Côn Đảo là địa phương đầu tiên trên toàn tỉnh ra mắt bản đồ 3D 3600 du lịch Côn Đảo giới thiệu toàn cảnh Côn Đảo và các điểm đến hấp dẫn như Bảo tàng Côn Đảo, di tích Nhà tù Phú Hải, Nghĩa trang Hàng Dương, hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Bà và điểm ngắm hoàng hôn Côn Đảo.

Bà Võ Thị Vân, Giám đốc Ban quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo cho biết, lượt truy cập, chia sẻ bản đồ 3600 du lịch Côn Đảo không ngừng gia tăng theo thời gian, trở thành công cụ hữu hiệu quảng bá cho Côn Đảo. Côn Đảo đang triển khai giai đoạn 2 tích hợp lên bản đồ 3600 du lịch Côn Đảo thêm những điểm tham quan nổi bật, mới chân thật, sống động nhất với kỳ vọng kích thích sự tò mò với điểm đến, từ đó thúc đẩy lượng tương tác và số lượng khách du lịch đến Côn Đảo.  

Du khách có thêm trải nghiệm thú vị với robot phục vụ bàn  tại Premier Pearl Hotel.
Du khách có thêm trải nghiệm thú vị với robot phục vụ bàn tại Premier Pearl Hotel.

DN du lịch chủ động chuyển đổi số

Nếu như Nhà nước đẩy mạnh chuyển đổi số để định vị, quảng bá mạnh mẽ tổng thể điểm đến, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và DN thì DN lại quan tâm đến chi tiết tăng tiện ích, tăng độ thông minh, hiện đại cho cơ sở dịch vụ.    

Premier Pearl Hotel (69-69A Thùy Vân, phường 2, TP.Vũng Tàu) vừa đưa vào sử dụng robot có chức năng đi thang máy, phục vụ phòng. Robot trang bị hệ thống cảm biến từ để nhận diện đường đi, vật cản phía trước, được lập trình gọi tầng thang máy, bấm chuông gọi phòng, giao đồ tận phòng. Robot có khả năng phục vụ liên tiếp trong 13 đến 15 giờ mà không cần nghỉ ngơi, tương đương với 2 người phục vụ làm việc liên tục trong hai ca.

Bà Helen Nguyen, Quản lý Premier Pearl Hotel cho biết, đây là robot thứ 2 Premier Pearl Hotel đưa vào sử dụng trong định hướng chuyển đổi số, tăng tiện ích dịch vụ tự động theo hướng hiện đại nhằm tạo sự thoải mái, thú vị và riêng tư cho du khách.

Theo ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch, vài năm nay, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong cộng đồng DN du lịch toàn tỉnh. Việc sử dụng thẻ điện tử, đặt dịch vụ và thanh toán trực tuyến, đánh giá dịch vụ sau trải nghiệm, thanh toán không tiền mặt, ứng dụng AI trong quản lý kinh doanh và phục vụ… rất phổ biến. Hoạt động đầu tư nguồn lực chuyển đổi số trong cộng đồng DN kinh doanh du lịch, dịch vụ góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh du lịch toàn tỉnh phát triển thịnh vượng, bền vững.

“Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai có trọng điểm các hoạt động số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch; nâng cấp tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch; số hóa, kết nối, tích hợp dữ liệu về du lịch vào hệ thống thông tin, dữ liệu quản lý chung theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL”, ông Đỗ Phước Trung cho biết thêm.

Bài, ảnh: KIM VINH

 
;
.