Giữ nhịp tăng trưởng du lịch năm 2024

Thứ Sáu, 05/01/2024, 18:40 [GMT+7]
In bài này
.

Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tập trung khai thác những sản phẩm có chiều sâu và không ngừng xây dựng hình ảnh du lịch an toàn, có trách nhiệm, kết hợp quảng bá thương hiệu với kỳ vọng giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2024.

Du khách Ấn Độ tham quan Bảo tàng Vũ khí cổ.
Du khách Ấn Độ tham quan Bảo tàng Vũ khí cổ.

Còn nhiều khó khăn

Năm 2023, du lịch có nhiều khởi sắc. Các chỉ tiêu về lượng khách, doanh thu đều tăng trưởng. Hệ thống cơ sở lưu trú tăng cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp. Nhiều sự kiện kích cầu phát huy hiệu quả thu hút khách du lịch đến Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, dù tốc độ phục hồi khá tích cực, song du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn gặp nhiều thách thức xuất phát từ khó khăn chung của nền kinh tế. Tình trạng DN thiếu vốn dẫn đến ngưng trệ thi công dự án, kéo dài thời gian đưa sản phẩm vào khai thác kinh doanh. DN quy mô nhỏ đang hoạt động có quan tâm tái đầu tư cơ sở nhưng chủ yếu cung cấp dịch vụ lưu trú đơn thuần, thiếu sức hấp dẫn thu hút khách quay lại.

Toàn tỉnh đón hơn 14 triệu lượt khách, tăng 15,27% so với cùng kỳ. Trong đó, hơn 4,3 triệu lượt khách lưu trú, tăng 12,28% so với cùng kỳ. Riêng khách quốc tế lưu trú khoảng 200 ngàn lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ du lịch khoảng 14.678 tỷ đồng, tăng 12,15% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch 5.178 tỷ đồng, tăng 13,77% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, cạnh tranh thiếu lành mạnh, kinh doanh tự phát, quảng cáo sai sự thật ở phân khúc khách sạn bình dân, căn hộ vẫn còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch của tỉnh. Một số vùng có tiềm năng du lịch xa trung tâm thành phố nhưng giao thông đi lại không thuận tiện nên khó kết nối tour du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đồng đều…

Theo dự báo, hoạt động du lịch có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, đạt với mức của năm 2019. Tuy nhiên, mức độ phục hồi sẽ không đồng đều ở các vùng, địa phương. Sự bất ổn của tình hình dịch bệnh và đời sống kinh tế cũng sẽ khiến nhu cầu của du khách thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, tính trải nghiệm và đa dạng, độc đáo. Du khách có xu hướng tìm kiếm những kỳ nghỉ độc đáo, gây ngạc nhiên và thích thú, hướng đến các dịch vụ du lịch, trải nghiệm thân thiện với môi trường, du lịch xanh, du lịch cộng đồng và du lịch chăm sóc sức khỏe, tinh thần.

Khách nước ngoài trải nghiệm dịch vụ tại Suối Rao Ecolodge.
Khách nước ngoài trải nghiệm dịch vụ tại Suối Rao Ecolodge.

Dư địa thu hút khách quốc tế rất lớn

Năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón trên 15,5 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 16.491 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, ngành du lịch đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy mạnh phục hồi, tăng tốc phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó, tiếp tục khai thác các xu hướng du lịch, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chú trọng chiều sâu chất lượng với đa dạng loại hình, sản phẩm...

Tại hội nghị tổng kết năm 2023 ngành du lịch vào ngày 4/1, đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh và các DN đều nhận định sức hút khách quốc tế của Bà Rịa-Vũng Tàu còn rất lớn. Ông Võ Thanh Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, các vấn đề tạo thuận lợi cho du khách quốc tế chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực. Bộ VH-TT-DL cũng đang tiếp tục phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho du khách từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ; mở rộng miễn thị thực đơn phương cho các nước có chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu. 

“Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tích cực đón tiếp nhiều cơ quan xúc tiến du lịch, DN lữ hành nước ngoài đến khảo sát dịch vụ, đẩy mạnh liên kết với TP.Hồ Chí Minh, kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội nâng tỷ trọng khách quốc tế đến địa phương”, ông Võ Thanh Mỹ nói.

Đa dạng không gian giải trí tại The Grand Ho Tram.
Đa dạng không gian giải trí tại The Grand Ho Tram.

Bên cạnh đó, các DN cũng mong muốn nhà nước có chiến lược dài hạn cho sự kiện, nâng chất lượng nguồn nhân lực và định hướng học nghề du lịch nhằm ổn định cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ.

Bà Trần Hà Phương, trợ lý giám đốc khách sạn Malibu Vũng Tàu cho rằng, kiến tạo sự kiện trở thành sản phẩm cạnh tranh, gia tăng chất lượng cho điểm đến là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần công bố lịch trình sự kiện sớm và ấn định thường niên, theo mùa để DN du lịch có kế hoạch quảng bá lan tỏa sự kiện; đồng thời đưa vào chương trình tour chào bán cho du khách, nhất là các thị trường xa trong nước và nước ngoài.

Bài, ảnh: KIM VINH

 
;
.