PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH XỨNG TẦM TRỤ CỘT KINH TẾ

Kỳ 3: Nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội

Thứ Bảy, 18/12/2021, 21:10 [GMT+7]
In bài này
.

Dù đạt được nhiều thành tựu sau 30 năm phát triển, song ngành du lịch cũng là ngành dễ bị tổn thương nhất khi dịch COVID-19 xảy ra. Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát, đòi hỏi người làm du lịch phải tiếp tục thay đổi tư duy và cách làm để phát triển bền vững.

Thiên nhiên hoang sơ và hệ sinh thái độc đáo của Côn Đảo luôn hấp dẫn du khách.  Trong ảnh: Du khách nước ngoài thả rùa con về biển trong tour sinh thái tham quan Hòn Bảy Cạnh.
Thiên nhiên hoang sơ và hệ sinh thái độc đáo của Côn Đảo luôn hấp dẫn du khách. Trong ảnh: Du khách nước ngoài thả rùa con về biển trong tour sinh thái tham quan Hòn Bảy Cạnh.

Ngành dễ tổn thương

Trong tất cả các ngành nghề kinh doanh, du lịch là ngành chịu tác động đầu tiên bởi dịch COVID-19. Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát khó kiểm soát trên thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch toàn cầu và Việt Nam. Năm 2020, mỗi khi có thông tin ca nhiễm, ngay lập tức lượng hủy dịch vụ, hủy tour, dừng du lịch ồ ạt. Sang năm 2021, tình hình càng trầm trọng hơn vì dịch lan nhanh tại nhiều tỉnh, thành trong nước, trong đó có BR-VT. Các cơ sở du lịch hoạt động trong thế cầm chừng phòng dịch được 4 tháng đầu năm. Bắt đầu từ tháng 5 trở đi, việc thực hiện giãn cách ngăn dịch được áp dụng rồi dần nâng theo cấp độ. Hầu hết cơ sở kinh doanh du lịch phải đóng cửa, tập trung phòng chống dịch. Tính đến hết tháng 11/2021, 95% DN lưu trú, dịch vụ phải đóng cửa hoàn toàn.

Dịch bệnh khiến các cơ sở du lịch gần như kiệt quệ, sức chống chọi để vực dậy là rất yếu. Trong khó khăn, nhiều DN du lịch “thắt lưng buộc bụng” chăm lo cho đời sống người lao động. Khối DN du lịch cũng chấp hành tốt quy định về phòng, chống dịch và chung tay chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong việc cung cấp phòng cách ly giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung; cung cấp dịch vụ lưu trú an toàn cho các DN thực hiện “một cung đường hai điểm đến” trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, giúp các ngành nghề sản xuất không bị đứt gãy hoạt động.

Hiện nay, BR-VT đang thực hiện chủ trương thích ứng linh hoạt vừa kiểm soát dịch vừa phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, ngành du lịch cũng đã mở cửa trở lại có điều kiện theo cấp độ dịch do chính quyền địa phương công bố. Tuy nhiên, giới du lịch nhận định đà phục hồi của ngành sẽ chậm vì người dân thắt chặt chi tiêu và tâm lý bất an khi nguy cơ tái bùng phát dịch tiềm ẩn với những biến chủng mới.

Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ, năm 2020 ngành du lịch trải qua 3 lần dịch bệnh bùng phát, song mỗi lần dịch tạm lắng, BR-VT luôn thắng lớn nhờ hiệu ứng “bật lò xo” của du khách sau một thời gian du lịch gián đoạn. Năm 2021, du lịch đứt gãy hoàn toàn 7 tháng, nhưng không thể kỳ vọng vào sức “bật lo xo” nữa vì dịch bệnh tác động quá lớn đến nền kinh tế và thu nhập của nhóm người thu nhập trung bình - phân khúc khách chính của BR-VT.

Theo ông Võ Thanh Mỹ, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Vũng Tàu, thống kê từ cơ quan chuyên môn, trên 98% lao động ngành du lịch và các ngành nghề khác liên quan thất nghiệp trong năm 2021.

Nhiều người bỏ nghề chuyển sang các ngành nghề khác vì không còn niềm tin vào tính ổn định của ngành du lịch. “Tính chuyên nghiệp là điều cần nhất đối với ngành du lịch. Đặc tính này phải cần thời gian tích lũy trong nghề mới có được. Do vậy, “vết thương” với ngành du lịch sẽ chưa thể chữa lành trong ngắn hạn”, ông Võ Thành Mỹ nói.

Khách du lịch vui chơi tại Bãi Sau (TP. Vũng Tàu).
Khách du lịch vui chơi tại Bãi Sau (TP. Vũng Tàu).

Nỗ lực vực dậy

Dù thách thức vực dậy ngành du lịch là rất lớn nhưng giới du lịch vẫn đặt niềm tin, kỳ vọng vào ngày mai tươi sáng. Dịch COVID-19 đã làm thay đổi mạnh hành vi du lịch của du khách. Các nhà quan sát nhận định xu hướng du lịch ưa chuộng khám phá thiên nhiên, ưu tiên các điểm đến gần và chuyến đi ngắn ngày, đi tự túc và đề cao sự an toàn, quyền riêng tư, cân bằng cảm xúc trong chuyến đi. Xu hướng này phù hợp với mục tiêu bền vững, “chất lượng hơn số lượng” mà BR-VT đang hướng tới. Do vậy, cần phải có giải pháp mang tính tiên phong, chủ động, tăng sức cạnh tranh về thương hiệu trong thu hút khách.

Bà Lê Thị Thanh Thái, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại Hồ Tràm Strip chia sẻ, từ giữa tháng 10, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino được UBND tỉnh cho phép đón khách thí điểm theo mô hình khép kín, khởi động bước đầu tiên mở cửa du lịch BR-VT. Từ vài khách ban đầu, đến khi kết thúc thí điểm (ngày 10/12 khi UBND tỉnh cho phép du lịch toàn tỉnh hoạt động kèm điều kiện phòng dịch), cơ sở này đón gần 3.000 khách. “Thành công trên ngoài mong đợi vì dịch vụ của chúng tôi tiêu chuẩn 5 sao nên khá đắt đỏ. Qua đợt thí điểm này, chúng tôi càng nhìn thấy rõ phân khúc khách và cơ hội đầu tư đón đầu. Trong năm 2022, chúng tôi sẽ tập trung phát triển căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng và trung tâm hội nghị để bổ sung thêm sản phẩm cao cấp cho khu vực này”, bà Lê Thị Thanh Thái nói.

Ông Lê Ngọc Linh cho rằng, DN phải thường xuyên chăm chút, làm mới sản phẩm dịch vụ, nhưng chính quyền cũng phải hỗ trợ bảo đảm môi trường an toàn, tạo thêm những điểm check in đẹp và tổ chức sự kiện phù hợp kích thích cảm xúc, trải nghiệm của khách đến.

Tập trung cho ngành kinh tế mũi nhọn
Giai đoạn 2020-2025, du lịch tiếp tục là 1 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh. Mục tiêu phát triển theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Các giải pháp phát triển ngành được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần VII gồm: Phát triển đồng bộ 8 loại hình du lịch; ưu tiên quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư những tổ hợp du lịch quy mô với các thương hiệu du lịch quốc tế; phục hồi thương hiệu các địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh trước đây; tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai dự án; rà soát quy hoạch, tạo không gian khai thác tối đa hiệu quả tuyến ven biển và các khu vực phụ cận cho du lịch; đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao; nâng chất lượng phục vụ; phát triển kinh tế du thuyền, kinh tế đêm, thúc đẩy phát triển du lịch đường biển.

 

Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, định hướng trong năm 2022 và các năm tiếp theo của thành phố là phát triển du lịch sự kiện đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thu hút du khách. “Ban Thường vụ Thành ủy đã báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy kế hoạch phối hợp tổ chức Cuộc thi Miss World (dự kiến diễn ra vào tháng 3 và 4/2022). Cũng trong năm 2022, thành phố sẽ tổ chức và duy trì sân chơi âm nhạc đường phố, leo núi, thể thao biển vào cuối tuần, đầu tư một số địa điểm check in trên khu vực Đồi con heo, Núi Lớn, Núi Nhỏ… nhằm tạo cảm giác mới mẻ, lôi cuốn cho du khách”, ông Hoàng Vũ Thảnh nói.

Song song đó, đẩy mạnh chuyển đổi số cũng là giải pháp được ngành du lịch tập trung. Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, cuối tháng 10, Sở Du lịch đã ra mắt sàn giao dịch du lịch trực tuyến tại địa chỉ www.dulichbariavungtau.com và www.dulich.baria-vungtau.gov.vn. Sàn không chỉ là nơi quảng bá, bán - mua các sản phẩm trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch mà còn cung cấp bản đồ, các chỉ dẫn về an toàn du lịch tạo sự yên tâm cho du khách, giúp các đơn vị lữ hành có cơ sở để phối hợp khai thác điểm đến an toàn.

“Dự kiến ngày 24/12, sàn sẽ khai mạc hội chợ du lịch trực tuyến để DN quảng bá, bán sản phẩm, dịch vụ theo phương thức không tiếp xúc. Từ đó, chủ động sắp xếp kế hoạch kinh doanh thích ứng bình thường mới”.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA- KIM VINH

;
.