THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH

Kinh tế, xã hội có nhiều khởi sắc

Thứ Tư, 03/04/2024, 18:28 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành địa phương tham dự tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thủ tướng nhấn mạnh: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra.

GDP quý I ước tăng 5,66%

Theo các báo cáo, trong tháng 3 và từ đầu năm đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện. Kết quả tháng 3 cao hơn tháng 1 và tháng 2, quý I/2024 khởi sắc hơn quý I/2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Tăng trưởng GDP quý I ước 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Một số địa phương tăng trưởng quý I cao như Bắc Giang (14,2%), Thanh Hóa (13,2%), Trà Vinh (13,9%), Khánh Hòa (12,4%), Quảng Ninh (8,9%), TP.Hồ Chí Minh (6,54%), Hải Phòng (9,3%), Hà Nội (5,5%)…

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 3,97% so với cùng kỳ, tính chung quý I tăng 3,77%. Mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng để hỗ trợ cho tăng trưởng, sản xuất, xuất khẩu; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.

Thu ngân sách Nhà nước quý I ước đạt 31,7% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I đều tăng lần lượt là 15,5%, 17% và 13,9%; ước xuất siêu 8,08 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 3,7%).

Tổng vốn FDI đăng ký quý I đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023; vốn thực hiện đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Nhiều DN lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (10,35%), đã đưa được lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển…

Làm việc nào phải dứt điểm việc đó

Tuy nhiên, Chính phủ nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh, DN còn nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm. Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro. Một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số DN rút lui khỏi thị trường còn lớn. Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp nền, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án…

Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021- 2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả. Điều hành quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương để xử lý kịp thời, triển khai nhanh chóng, hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phân loại các kiến nghị của địa phương để các bộ, ngành, cơ quan giải quyết theo thẩm quyền. Với các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, các phó thủ tướng theo lĩnh vực phân công làm việc trực tiếp với các bộ ngành để xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

HÀ AN

 
;
.