.
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954-2024)

Ký ức về chuyển chiến lược ở chiến dịch Điện Biên Phủ

Cập nhật: 19:10, 25/04/2024 (GMT+7)

Công binh đã khoét núi, mở hào, giúp pháo binh đưa trọng pháo vào, bố trí trận địa, sẵn sàng đánh nhanh, thắng nhanh, “xóa sổ” cứ điểm Điện Biện Phủ từ chiến trường hướng Tây Bắc. Nhưng ngày 27/1/1954, các chiến sĩ lại nhận được lệnh kéo pháo ra.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Định lưu giữ Giấy chứng nhận “được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ” vì đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ  Xuân 1954.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Định lưu giữ Giấy chứng nhận “được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ” vì đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ Xuân 1954.

3 tháng trời ròng rã, chàng thanh niên 20 tuổi Nguyễn Đức Định (quê tỉnh Vĩnh Phú cũ, hiện sinh sống tại TP.Vũng Tàu) cùng đồng đội vượt hành trình hơn 400km từ Phú Thọ đi chiến trường Điện Biên Phủ.

“Địch nã pháo, thả bom dữ dội, hòng cắt các tuyến đường hành quân quan trọng của ta. Chúng tôi chỉ hành quân vào ban đêm, cứ mỗi đêm đi được vài, ba chục cây số”, ông Định nhớ lại. Sau thời gian dài bám rừng, leo vách đá, băng qua đèo Pha Đin, ông cùng đồng đội đã đến chiến trường Điện Biên Phủ vào một đêm cuối năm 1953, với khí thế hừng hực sẵn sàng chiến đấu.

Tại đây, ông Nguyễn Đức Định, Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 67, Trung đoàn 151 cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đào giao thông hào để vây các đồn địch, mở đường để kéo pháo vào. Đồng thời, trợ giúp cho lực lượng pháo binh kéo pháo vào trận địa. “Đó là những ngày đầy gian khổ, ăn cơm nắm với muối vừng, đội mưa, lội bùn, đối mặt với nhiều nguy hiểm để mở đường vào sâu đến các cứ điểm trọng yếu của địch. Nhiều đường kéo pháo bị lộ, địch oanh tạc suốt ngày đêm”, ông Định nhớ lại.

Lúc đó, thời điểm mở màn trận chiến với quân Pháp ban đầu được Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ấn định ngày 20/1/1954, với phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” trong 3 ngày 2 đêm. Tuy nhiên, sau khi phân tích tình hình, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã thay đổi phương châm đánh.

Chiều 27/1/1954, các chiến sĩ nhận được lệnh kéo pháo ra. “Đã vào bố trí trận địa hết rồi, sao lại phải kéo phá ra? Chúng ta lại buộc mở đường mới cho pháo binh chuyển trận địa?”, Trung đội trưởng Nguyễn Đức Định nghe anh em hoang mang hỏi. Ngay lập tức, tại chiến hào trung đội tổ chức quán triệt tư tưởng “tuyệt đối tin tưởng cấp trên và chấp hành mệnh lệnh”.

Ông Nguyễn Đức Định (7/1 đường Bình Giã, phường 8, TP.Vũng Tàu), 91 tuổi, là cựu chiến binh duy nhất của Bà Rịa-Vũng Tàu được Hội Cựu Chiến binh Việt Nam mời về hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội) dự buổi gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, diễn ra vào 23/4/2024.

Khi chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, thế trận cũng thay đổi. Ngay sau đó, trung đội của ông thực hiện mở đường cho pháo binh chuyển trận địa từ hướng Tây Bắc sang Đông. Đồng thời, xây dựng công sự để pháo thủ chiến đấu dài ngày. Trong đó, khó khăn nhất là mở đường vào đồi A1, nơi được quân Pháp bao bọc bởi lô cốt và hầm ngầm kiên cố.

Nhưng sau 15 ngày đêm, công binh, trong đó Trung đội 3 của ông Định vẫn đào được một đường hầm dài 49m xuyên lòng đồi. Men theo đường hầm, từng chiến sĩ, mỗi người mỗi lần chỉ xách được 5kg thuốc nổ, ra vào liên tục cho đến khi khối bộc phá 1 tấn được nhồi vào đồi A1, rồi khai hỏa, mở đường cho bộ đội ta tiến lên, chiếm lấy cứ điểm.

Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tin tức về chiến dịch vang dội khắp 5 châu.

Sau chiến thắng vang dội, lẫy lừng của quân ta ở chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với nhiều đơn vị khác, Trung đoàn 151 vinh dự được Bác Hồ tặng thưởng Lá cờ mang dòng chữ “Mở đường thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ”. Ông Nguyễn Đức Định cũng vinh dự được Trung đoàn 151 tặng Giấy chứng nhận “được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ” vì đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ Xuân 1954”.

Bài, ảnh: THI PHONG

 
.
.
.