THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC

Nhanh chóng tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân

Thứ Tư, 24/02/2021, 19:39 [GMT+7]
In bài này
.
  • Việt Nam sẽ có 90 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm 2021.

Sáng 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng; trong đó có vấn đề vaccine.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 8 ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương (từ ngày 16/2), 4 ngày gần đây số ca mắc mới trong ngày đã có dấu hiệu giảm (trung bình 9 ca/ngày); hầu hết các trường hợp này là F1 và đã được cách ly tập trung từ trước. Số ca dương tính giảm rõ rệt trong khu cách ly và khu phong tỏa.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực kiểm soát dịch quyết liệt của các địa phương; khẳng định, vaccine là yếu tố quan trọng dẫn tới giảm số ca mắc COVID-19 trên thế giới trong thời gian qua. Cho biết, Bộ Chính trị đã có kết luận về mua vaccine bằng nguồn ngân sách và các nguồn hợp pháp khác với yêu cầu làm công khai, minh bạch, kịp thời, song, Thủ tướng cũng lưu ý, dù có vaccine nhưng vẫn phải chú ý phòng bệnh, chữa bệnh, thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, tránh tình trạng chủ quan.

Thủ tướng cũng đánh giá cao Hải Dương, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh là địa phương đã xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định phòng, chống dịch để răn đe. Bộ Y tế cũng đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương có vaccine cho nhân dân trong thời gian sớm nhất. Đến nay, đã có hơn 100.000 liều vaccine đã về đến Việt Nam để sớm đưa vào tiêm chủng cho người dân. Trong thời gian tới, vaccine sẽ được về Việt Nam với khối lượng nhiều hơn, kịp thời phục vụ người dân.

Nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu BCĐ quốc gia, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo để có vaccine với tinh thần phải “thần tốc hơn” với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt, đúng đối tượng.

“Chiến lược của chúng ta là 100 triệu dân được tiêm vaccine”, Thủ tướng nêu rõ đồng thời cho rằng, không thể một lúc đủ cho cả trăm triệu dân mà phải có thứ tự ưu tiên: Nhân viên y tế tại cơ sở điều trị, cơ sở xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu; lực lượng biên phòng, quân đội, Công an tại khu cách ly; lực lượng khoanh vùng dập dịch tại vùng có dịch, lực lượng phòng, chống dịch tự nguyện và các đối tượng khác theo nghị quyết của Chính phủ.

Việt Nam sẽ có 90 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm 2021
Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc cung ứng vaccine phòng chống COVID-19 cho Việt Nam có 4 nguồn cung, gồm: Nguồn của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều. Nguồn vaccine của AstraZeneca 30 triệu liều. Vaccine của Pfizer. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vaccine này. Thứ tư, vaccine Sputnik V của Nga. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán. Trong tuần này Bộ Y tế sẽ họp hội đồng cấp phép cho vaccine của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.
Về lộ trình cung cứng vaccine: Quý 1, dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3; Quý 2 dự kiến có 9,5 triệu liều và Quý 3 có 25,9 triệu liều; Quý 4 có 51,1 triệu liều. Tổng số là 90 triệu liều.

“Một nguyên tắc rất quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao trước, nguy cơ thấp sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao Bộ Y tế làm đầu mối để tiếp nhận các kênh có vaccine phù hợp với điều kiện của Việt Nam với giá rẻ, minh bạch để có khối lượng vaccine cần thiết phục vụ cho nhân dân. “Tiếp cận nhiều vùng chứ không phải chỉ có một vùng”, Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, vận dụng phù hợp, không để tình hình ách tắc xảy ra. Cùng với đó là nhanh chóng tổ chức việc tiêm chủng vaccine cho các đối tượng theo Nghị quyết của Chính phủ. Tỉnh nào quá khó khăn về kinh phí chi thường xuyên phục vụ cho chống dịch thì Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng để có biện pháp xử lý.

QUANG VŨ

;
.