Lựa chọn đúng cán bộ có đức có tài như lời dạy của Bác

Chủ Nhật, 24/05/2020, 18:36 [GMT+7]
In bài này
.

Trong quá trình lãnh đạo xây dựng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đi nhắc lại rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, trở thành người cán bộ chân chính như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy phải luôn được quan tâm, đặt lên hàng đầu.

Công chức Bộ phận một cửa UBND xã An Ngãi (huyện Long Điền) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Công chức Bộ phận một cửa UBND xã An Ngãi (huyện Long Điền) hướng dẫn người dân
làm thủ tục hành chính. Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

DỰA VÀO DÂN ĐỂ TÌM NGƯỜI HIỀN TÀI 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy kiến thiết phải có nhân tài, Đảng, Nhà nước rất cần đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm, bởi “Có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. Tư duy khoa học, nhạy bén và trên quan điểm quần chúng, Người nhờ đồng bào cả nước tìm, lựa chọn, đề xuất cán bộ cho Đảng. Thật hiếm thấy một lãnh tụ nào như Người, đăng lời tìm kiếm người hiền tài với lời lẽ cầu thị, trọng thị để phục vụ sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc”. 

Bài viết “Tìm người tài đức” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 20/11/1946, trước hết là một lời nhận lỗi của Người: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc chắn không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”. Một lời nhận lỗi chân thành và một đề xuất sửa chữa khuyết điểm không thể sáng suốt hơn: “Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người hiền tài, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ”. 

Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, nhiều người đề nghị Bác không nên ra ứng cử, vì nhân dân thừa nhận Bác là đại biểu Quốc hội như một lẽ đương nhiên. Người chối từ, bởi tôn trọng dân, coi quyền lực thuộc về dân và chứng minh rằng: Là cán bộ dù bất kể cương vị nào cũng phải được nhân dân thừa nhận. Nhân dân sáng suốt, công tâm, công bằng, vô tư nhất và Người đã dựa vào nền tảng đó, kêu gọi, khuyến khích toàn dân tham gia công tác cán bộ, tìm kiếm, lựa chọn, đề xuất giúp Đảng những người đủ tài đức gánh vác việc nước, việc dân.

LỰA CHỌN CÁN BỘ SAO CHO ĐÚNG 

Để “dùng người đúng chỗ, đúng việc”, Người dặn: “Khuôn khổ để lựa chọn cán bộ, chúng ta phải theo cho đúng”: Một là, trung thành và hăng hái trong công việc, trong đấu tranh phê bình; hai là, liên hệ mật thiết với dân chúng; ba là, có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong hoàn cảnh khó khăn; bốn là, luôn luôn giữ đúng kỷ luật. 

 Người khuyên: Để lựa chọn đúng phải tìm hiểu một cách toàn diện, khách quan từng cán bộ; không áp đặt chủ quan; tránh lối phiến diện, cảm tính, chi phối quan hệ bà con, anh em, bạn hữu. Người để lại bài học sâu sắc: Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xem xét sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà cần phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem công việc của họ từ trước đến nay.

“Biết rõ cán bộ mới cân nhắc cán bộ”, do vậy, nghiên cứu hồ sơ, lý lịch, nghe các cấp báo cáo là cần thiết, nhưng với Người nhìn nhận, đánh giá cán bộ qua thực tiễn còn quan trọng hơn. Người nhìn tài năng của cán bộ thông qua hiệu quả công việc hàng ngày; nhìn phẩm chất của cán bộ thông qua thước đo tinh thần vì nước, vì dân và uy tín trước quần chúng nhân dân. Để bổ nhiệm một cán bộ, Người lắng nghe nhiều phía, nhất là ý kiến của nhân dân và đặc biệt Người gặp, trực tiếp trao đổi, quan sát, đối thoại để thẩm định chính xác năng lực, phẩm chất, phong cách của từng cán bộ để ra quyết định đúng đắn, giảm bớt tối đa sai lầm.

Trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã truyền tải thông điệp về công tác cán bộ: Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, công tác cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định. Công tác cán bộ đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hiện nay, cùng với việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu; nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ”. 

Trên tinh thần đó, tin tưởng rằng, Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng sẽ là đại hội từ lòng dân, của lòng dân và “ý Đảng lòng dân” thống nhất làm một.

NGUYỄN QUANG PHI

 
;
.