GÓP Ý DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)

Người lao động không muốn tăng khung giờ làm thêm

Thứ Sáu, 18/10/2019, 20:33 [GMT+7]
In bài này
.

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do LĐLĐ tỉnh tổ chức mới đây, từ góc độ tiếp cận thực tiễn, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận và nêu một số kiến nghị nhằm bảo đảm Bộ luật Lao động (sửa đổi) có những quy định sát với thực tiễn, hài hòa, bảo vệ lợi ích các bên trong quan hệ lao động.

Người lao động Công ty TNHH May Thăng Long (TP.Vũng Tàu) trong giờ làm việc.
Người lao động Công ty TNHH May Thăng Long (TP.Vũng Tàu) trong giờ làm việc.

Góp ý vào nội dung xem xét tăng tuổi nghỉ hưu, ông Nguyễn Đức Ý, Chủ tịch Công đoàn Các KCN tỉnh cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Tuy nhiên, mức tăng và lộ trình tăng phải xét đến các yếu tố: Đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Đặc biệt, phải cân nhắc đến các đối tượng lao động trong các nghề đặc thù như công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề khác. Ông Ý đề xuất: “Người lao động (NLĐ) trực tiếp sản xuất nên giữ nguyên 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam, còn lao động bị suy giảm sức khỏe, làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần có chính sách khuyến khích nghỉ hưu sớm so với tuổi quy định”.

Đồng ý kiến trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch LĐLĐ TP. Vũng Tàu nói: “Việc tăng tuổi hưu là cần thiết nhưng chưa nên đồng loạt như trong dự thảo mà cần có lộ trình, tầm nhìn dài hạn, được nghiên cứu, cân nhắc kỹ các điều kiện thực tế môi trường làm việc, sức khỏe NLĐ, tiền lương, thu nhập của NLĐ”.

Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Bà Nguyễn Minh Thu Thủy, Chủ tịch CĐ Ngành GD-ĐT phân tích: “Khi lấy ý kiến trong ngành GD-ĐT thì phần lớn viên chức của ngành đều không đồng tình tăng tuổi hưu, nhất là với nữ. Bởi họ cho rằng, ở độ tuổi nghỉ hưu 55 tuổi là rất phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tâm lý, sức khỏe của phụ nữ. Đa số phụ nữ ở tuổi này cần thời gian nghỉ ngơi, chăm lo cho bản thân sau quãng thời gian dài cống hiến tuổi trẻ, sức lực cho gia đình và công việc chuyên môn”.

Về nội dung mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, nhiều ý kiến không đồng tình và cho rằng việc này không phù hợp với nhu cầu của NLĐ và điều kiện sản xuất hiện nay. Ông Nguyễn Đăng Hoành, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH International SOS Việt Nam (TP.Vũng Tàu) phân tích: “Qua khảo sát thực tế cho thấy, NLĐ không tán thành tăng khung giờ làm thêm và tán thành đề xuất của dự thảo về việc giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ xuống còn 44 giờ trong tuần. Xu hướng giảm giờ làm, tăng năng suất lao động đang là xu hướng sản xuất tiến bộ của xã hội, nhằm bảo đảm sức khỏe và chất lượng công việc cho NLĐ”.

Liên quan nội dung tiến tới bỏ quy định mức lương tối thiểu vùng, để đại diện NLĐ thỏa thuận lương với DN, ông Nguyễn Đức Ý nói: “Nếu bỏ quy định này, mức lương của NĐL sẽ bị ảnh hưởng; chịu thiệt thòi nhất là NLĐ xa quê vào làm việc bởi họ phải chi phí thêm các khoản tiền nhà trọ, tiền ăn…  Hơn nữa, để đại diện NLĐ thỏa thuận lương với DN (trong khi năng lực thỏa thuận của đội ngũ này còn hạn chế) chắc chắn sẽ gây thiệt thòi cho NLĐ. Vì thế, tôi cho rằng vẫn nên để mức lương tối thiểu vùng duy trì, có điểm khởi đầu, căn cứ để DN có mức lương phù hợp cho NLĐ; đồng thời cần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng 3 lên vì mức này đang quá thấp”.

Theo ông Châu Văn Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, tất cả các ý kiến đóng góp, quan điểm đưa ra tại hội nghị này đều dựa trên thực tiễn, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Các ý kiến tại hội nghị sẽ được tiếp thu để báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo bộ luật này.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.