Phối hợp đồng hành hỗ trợ ngư dân

Chủ Nhật, 08/09/2019, 19:08 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, các đơn vị thuộc lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng… đóng quân trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế gắn với tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc. 

Lãnh đạo Hải đoàn 129 động viên ngư dân Nguyễn Văn Niểng (SN 1985) thuyền viên tàu cá BV 98739 TS bị tai nạn trên biển, được đưa vào bờ ngày 17/8.
Lãnh đạo Hải đoàn 129 động viên ngư dân Nguyễn Văn Niểng (SN 1985) thuyền viên tàu cá BV 98739 TS bị tai nạn trên biển, được đưa vào bờ ngày 17/8.

Công tác phối hợp bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân trên địa bàn giữa tỉnh BR-VT với các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn đã được triển khai trong nhiều năm qua. Trong đó, vấn đề đồng hành hỗ trợ ngư dân là một nhiệm vụ được các cơ quan chức năng của tỉnh và các đơn vị LLVT phối hợp tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ ngư dân gặp tai nạn trong khi khai thác hải sản, đã giúp bà con ngư dân vững lòng vươn khơi bám biển. 

Gần đây nhất, ngày 16/8, khi tàu cá BV 98739 TS của ngư dân BR-VT đang đánh bắt hải sản trên vùng biển cách mỏ Đại Hùng 11 hải lý, thuyền viên Nguyễn Văn Niểng (SN 1985) bị dây tời đứt, quật trúng vào mặt, chảy nhiều máu, tình trạng sức khỏe nguy kịch. Ngay khi nhận được tin báo, tàu 745 thuộc Hải đoàn 129 (Quân cảng Sài Gòn) đang thực thi nhiệm vụ trên biển đã nhanh chóng cơ động di chuyển, tiếp cận tàu cá BV 98739 TS, tiếp nhận sơ cấp cứu ngư dân Nguyễn Văn Niểng, sau đó đưa về bờ cập cảng đóng quân của Hải đoàn 129 tại phường 12, TP.Vũng Tàu ngày 17/8 an toàn. “Thời tiết lúc đó rất xấu, sóng gió cấp 5, cấp 6 kèm theo mưa giông. Nếu không có sự xuất hiện kịp thời của tàu 745 Hải đoàn 129 để sơ cứu cũng như đưa về đất liền an toàn, rất có thể tính mạng tôi sẽ bị đe dọa. Tôi rất biết ơn những người lính Hải quân đã cứu tôi kịp thời. Sau khi bình phục sức khoẻ, tôi sẽ tiếp tục bám biển, mưu sinh”, ngư dân Nguyễn Văn Niểng bày tỏ.

Theo Thượng tá Huỳnh Văn Đa, Chính ủy Hải đoàn 129, ngoài nhiệm vụ quốc phòng - kinh tế thì việc hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đặc biệt, từ tháng 11/2016, Hải đoàn 129 đã vận hành sử dụng Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật âu tàu tại đảo Sinh Tồn và 2 làng chài tại đảo Núi Le và đảo Tốc Tan thuộc quần đảo Trường Sa. Nhiệm vụ chủ yếu của các âu tàu, làng chài này là cung ứng dịch vụ hậu cần, sửa chữa, thay thế vật liệu tàu cá; sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác đánh bắt hải sản.

Hoạt động hỗ trợ ngư dân đã được các đơn vị LLVT và các cơ quan chức năng của tỉnh ký kết quy chế phối hợp, triển khai bằng những chương trình cụ thể. Đơn cử, ngày 30/5 vừa qua, tại Cảng Dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái (xã Phước Hưng, huyện Long Điền), Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân phối hợp với Sở NN-PTNT triển khai Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” giai đoạn 2019-2020. Dịp này, 2 đơn vị đã tặng cho ngư dân huyện Long Điền 100 phao tròn, 100 phao cứu sinh, 10 phần quà (mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng và 1 radio), phát 250 cờ Tổ quốc và 750 tờ tài liệu tuyên truyền về các vị trí  đảo, nhà giàn, tàu trực làm điểm tựa, hỗ trợ ngư dân trên biển; tần số các đài canh của Hải quân khi cần sự hỗ trợ; dịch vụ, chính sách hỗ trợ khi tàu ngư dân vào các âu tàu, làng chài trên quần đảo Trường Sa; khuyến cáo ngư dân về các vùng biển của nước ngoài không được xâm phạm. 

Theo Đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh, qua công tác phối hợp giữa lực lượng Biên phòng và Hải quân cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 222 tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển với gần 3.700 ngư dân tham gia để nâng cao khả năng, năng lực đánh bắt hải sản và hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi có tình huống xảy ra.

Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân cho biết, từ năm 2015 đến nay, các đơn vị Hải quân đứng chân trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều lượt tàu tham gia phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố cho 5 tàu cá, cứu nạn 43 ngư dân; trích quỹ của đơn vị tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, thăm, tặng quà đối tượng chính sách với tổng trị giá quà tặng hơn 9 tỷ đồng. Về phía Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh BR-VT đã hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng Hải quân, đặc biệt là quân và dân huyện đảo Trường Sa, các nhà giàn DK1 với tổng số tiền, quà trị giá hơn 22,5 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống bộ đội, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Quân chủng.

Tại hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Tỉnh ủy BR-VT và Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Hải quân giai đoạn 2019-2025 vào ngày 26/8 vừa qua, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Bộ Tư lệnh Hải quân, đặc biệt là các đơn vị Hải quân đứng chân trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong tỉnh bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, chú trọng tuyên truyền, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, bám ngư trường phát triển kinh tế gắn với tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

;
.