Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ

Thứ Ba, 30/10/2018, 18:43 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 30-10, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã bắt đầu hoạt động chất vấn. Dự kiến, phiên chất vấn sẽ kéo dài trong 3 ngày, đến hết ngày 1-11 và không tiến hành chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ, mà chất vấn các vấn đề liên quan đến các nghị quyết của Quốc hội và giám sát chuyên đề.

GIẢI PHÁP CĂN CƠ ĐỂ ĐẨY LÙI THAM NHŨNG, LỢI ÍCH NHÓM, DOANH NGHIỆP SÂN SAU

Đầu tiên đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) chất vấn Bộ trưởng TNMT về việc khắc phục ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ, sông Đáy. Tiếp đó, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ giải pháp căn cơ để đẩy lùi tham nhũng lớn, “tham nhũng vặt”, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) chất vấn Chính phủ 3 vấn đề: nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; giải quyết nhà ở công nhân; triển khai dự án ĐHQG Hà Nội, Khu CNC Hòa Lạc.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, để xử lý ô nhiễm sông phải xử lý tại nguồn. Điều này có liên quan đến các địa phương, nhất là đầu nguồn như Hà Nội, Hòa Bình (nước sinh hoạt chưa xử lý). Hà Nội đã có đề án xử lý ô nhiễm nước sông, song cơ chế phối hợp chưa hiệu quả, chưa bố trí được nguồn lực, bên cạnh đó công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt (chúng ta chưa thu gom). 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn.

Do đó, chính quyền các địa phương phải đánh giá các nguồn thải, lựa chọn công nghệ xử lý, tính toán chi phí, cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa, làm rõ trách nhiệm nhà nước trong đầu tư hạ tầng,... nếu chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp thì chúng ta có thể xử lý.

Trả lời đại biểu Trần Văn Mão, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước, toàn dân rất quan tâm. Thời gian qua với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, tình trạng tham nhũng đã được đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Song tình hình vẫn hết sức phức tạp cần phải tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.

Nguyên nhân thì có nhiều, thời gian tới, cần thực hiện một loạt các giải pháp: Tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng; hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện để kiểm soát được các hoạt động của công chức nhà nước; thông qua Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi (kê khai tài sản, xử lý tài sản bất minh); cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng chống tham nhũng....

Về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, trong năm 2018 Chính phủ đã có nhiều giải pháp tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, do đó tình hình đã có thuyên giảm (số đoàn đông người), về giải pháp bên cạnh công tác tuyên truyền, cần thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác tiếp công dân,... trong đó đột phá là tiếp và giải quyết dứt điểm các vụ việc, yêu cầu khiếu nại của công dân từ cơ sở, phân cấp rõ trách nhiệm giữa trung ương và địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo...

THỰC HIỆN NGHIÊM CÁC GIẢI PHÁP CHỐNG BỨC CUNG, NHỤC HÌNH

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa chất vấn Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện KSNDTC giải pháp giải quyết 12.000 vụ án và bị can “bị treo”. Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) chất vấn Bộ trưởng Y tế trách nhiệm tư vấn bệnh nhân, bà mẹ mang thai, chăm sóc sức khỏe người lao động. Đại biểu Cao Đình Thưởng chất vấn Bộ Công thương về giá xe nhập khẩu; chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về chức danh “hàm” ở cơ quan Trung ương, các địa phương có được áp dụng không?

Trả lời về số vụ án đình chỉ, tạm đình chỉ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong năm 2018 là 2.411 bị can, so với cùng kỳ năm trước tăng hơn 13%, số bị can cũng tăng hơn cùng kỳ năm trước. Do chúng ta áp dụng Bộ Luật hình sự mới 2015 do có nhiều quy định mới. Về nguyên nhân chủ quan chỉ có 24 trường hợp, chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Để nâng cao hiệu quả công tác điều tra, thời gian tới cần tập trung thực thi hiệu quả Luật tố tụng hình sự, luật tạm giam; tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng điều tra; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý những tồn tại thiếu sót trong xử lý tin báo, tố giác tội phạm; thực hiện các giải pháp phòng chống tiêu cực trong hoạt động điều tra, chống bức cung, nhục hình...

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, công tác điều tra tuy có những kết quả song vẫn còn những tồn tại, cần áp dụng các biện pháp: Tăng cường kiểm sát xử lý tin báo tố giác ngay từ đầu; chỉ đạo kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ để phát hiện những mâu thuẫn, qua đó yêu cầu xác minh, làm rõ để kịp thời phát hiện những sai phạm. Viện cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ những vụ đang tạm đình chỉ để có giải pháp xử lý phù hợp.

Về nhập khẩu ô tô, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, chúng ta đang tham gia hội nhập sâu với thế giới, với nhiều FTA đã được ký kết trong đó có cam kết cắt giảm thuế... Vì vậy bên cạnh việc mở cửa thị trường ô tô, chúng ta cũng có giải pháp phát triển công nghiệp ô tô trong nước, đảm bảo phục vụ người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu ô tô từ ASEAN cũng chưa có tăng đột biến. 

Về vấn đề bổ nhiệm “hàm”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên Luật Công chức, viên chức không quy định vấn đề này, do đó, vừa qua chúng ta không bổ nhiệm chức danh hàm nữa. Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo liên quan đến cơ chế thu hút chuyên gia, bổ nhiệm hàm, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về vấn đề này. 

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG XUỐNG CẤP ĐẠO ĐỨC CẦN THỜI GIAN

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) chất vấn về giải pháp ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội và gia đình; đại biểu Nguyễn Trường Giang chất vấn lộ trình thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm y tế. 

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng để khắc phục được vấn đề xuống cấp đạo đức, đây là vấn đề khó, cần thời gian lâu dài. Hiện nay, nhiều giá trị tốt đẹp của dân tộc bị mai một, tình trạng xuống cấp đạo đức, bạo lực gia đình, chạy chức chạy quyền diễn ra nhiều... Về giải pháp, với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ đã tham mưu cho cấp thẩm quyền ban hành nhiều văn bản để xây dựng đời sống văn hóa, con người mới, xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa... Đồng thời triển khai các giải pháp phát huy sức mạnh của văn học nghệ thuật trong giáo dục đạo đức hướng con người tới chân thiện mỹ; phối hợp với ngành giáo dục, Trung ương đoàn... để tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xã hội; đẩy mạnh thanh tra kiểm tra xử lý sai phạm... Tuy nhiên, vấn đề này vừa phải làm từng bước, vừa phải quyết liệt và cần có sự tham gia của toàn xã hội.

Về liên thông kết quả xét nghiệm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện đã triển khai được 28 bệnh viện tuyến trung ương, thời gian tới sẽ tiến hành tổng kết để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ.

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH LÀ MỘT THÁCH THỨC KHÓ KHĂN NHẤT 

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Đại biểu này đặt vấn đề: Ngày 18-10-2018,  Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã ký ban hành Quyết định số 1380 phê duyệt Đề án liên thông các thủ tục hành chính, đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất, hỗ trợ mai táng phí, hưởng mai táng phí. Đề án này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong đó, giao nhiệm vụ cho 4 bộ, ngành là Tư pháp, Công an, LĐ-TB và XH; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố phải hoàn thành quy trình triển khai Đề án trong quý IV/2018. 

ĐB Cao Thị Xuân đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ với tư cách là cơ quan trình Đề án và được Thủ tướng giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc việc triển khai đề án này làm rõ 2 vấn đề. Một là, thời điểm này đã gần giữa quý IV, thời gian chỉ còn lại 2 tháng, liệu có đảm bảo triển khai được Đề án này tới các bộ, ngành, địa phương như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không? Hai là, việc liên thông thủ tục hành chính, tức là chuyển vất vả, khó khăn của thủ tục hành chính từ người dân sang các cơ quan quản lý nhà nước. Vậy trong thời gian tới có liên thông thủ tục hành chính nào nữa hay không?

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, “liên thông thủ tục hành chính được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ coi đây là sự đột phá, tấn công vào sự cát cứ, sự phân lập các thủ tục riêng lẻ, đang tạo ra chuỗi gia tăng chi phí hành chính cho người dân và doanh nghiệp”. Bước đầu lựa chọn thủ tục hành chính có độ bao phủ lớn nhất liên quan đến mọi người dân, đó là thủ tục về hộ tịch, đăng ký cư trú, cấp thẻ y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi… Trên cơ sở liên thông thủ tục hành chính, đăng ký cư trú đã được phê duyệt từ năm 2015 và rất thành công, vừa rồi Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án lưu thông 4 thủ tục, đó là thủ tục khai tử, giải quyết chế độ tử tuất, xóa đăng ký thường trú, mai táng phí. 

Với trách nhiệm cơ quan được Chính phủ giao, theo dõi đôn đốc thực hiện Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng “cam kết trước Quốc hội là, Đề án sẽ thực hiện theo đúng lộ trình và phê duyệt của Thủ tướng”, đồng thời mong các đại biểu Quốc hội quan tâm và nhân dân giám sát.

PHƯƠNG HẠNH

;
.