KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH-LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2018)

Trọn nghĩa, vẹn tình với người có công

Thứ Năm, 26/07/2018, 16:38 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, tỉnh BR-VT đã huy động nhiều nguồn lực, triển khai nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa, hiệu quả nhằm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo tốt đời sống gia đình chính sách, người có công (NCC) với cách mạng. Với sự quan tâm, chăm lo đó, đời sống các gia đình chính sách, NCC trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện. 

Đoàn viên, thanh niên ngành y tế khám bệnh miễn phí cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Lưỡng (xã Long Phước, TP.Bà Rịa).
Đoàn viên, thanh niên ngành y tế khám bệnh miễn phí cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Lưỡng (xã Long Phước, TP.Bà Rịa).

CHĂM LO NGƯỜI CÓ CÔNG

Một trong những việc làm nổi bật của tỉnh BR-VT là chăm lo về nhà ở, hỗ trợ đất ở và miễn giảm tiền sử dụng đất cho NCC với cách mạng. Năm 2018, bà Hồ Thị Khai (là vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Tư, hiện ngụ ở ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP.Bà Rịa) đã được tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa. Không chỉ được hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà mới thay cho căn nhà cũ lợp tôn đã xuống cấp, bà Khai còn được hưởng chính sách chăm sóc về y tế. Bà Khai nói: “Cất được căn nhà, có nơi rộng rãi, thoáng mát để ở, tui mừng lắm. Tỉnh có chính sách chăm lo cho gia đình NCC với cách mạng như vậy là rất tốt”. 

Cũng trong năm 2018, tại xã Long Phước, ông Lê Xuân Thiệp (thương binh 2/4) được Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng để sửa chữa nhà. Căn nhà tình nghĩa mà gia đình ông đang ở được xây tặng năm 1993, nay đã xuống cấp. Ngoài việc được xây tặng nhà tình nghĩa, ông Thiệp còn được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách và được tỉnh đưa đi nghỉ dưỡng nhiều lần. 3 người con của ông trong quá trình học tập được hưởng các ưu đãi trong giáo dục và được hỗ trợ giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp. Ông Thiệp cho hay: “Thời gian qua, gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền. Tình cảm ấy giúp tôi và gia đình thêm ấm lòng để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”.  

Khi biết gia đình mình thuộc diện được miễn giảm tiền sử dụng đất, ông Mai Văn Bảy (ngụ tại TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) rất vui mừng. Ông Bảy là con liệt sĩ Mai Văn Sáu. Năm 2017, ông Bảy được miễn giảm 70% tiền chuyển mục đích sử dụng 120m2 đất theo chính sách dành cho NCC. Ông Bảy phấn khởi cho biết: “Hàng tháng, tôi được hưởng chế độ dành cho con liệt sĩ. Nay được hưởng thêm chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất với số tiền lớn, tôi rất xúc động. Tôi nghĩ, đó là tình cảm, sự động viên lớn của các cấp chính quyền với gia đình tôi”. 

Với quyết tâm không để gia đình chính sách, NCC nằm trong diện hộ nghèo, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã có những hoạt động thiết thực để nâng cao đời sống cho các đối tượng này. Trong đó, chính sách hỗ trợ NCC vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế đã mang lại nhiều kết quả. Năm 2016, hộ ông Nguyễn Văn Long (NCC, hiện ngụ tại KP Hiệp Hòa, TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) được hỗ trợ vay 25 triệu đồng để nuôi gà thịt. Nhờ chịu khó, cần cù làm ăn nên thu nhập từ việc chăn nuôi gà giúp cuộc sống gia đình ông Long được cải thiện. Ông Long cho hay: “Hiện mỗi năm, gia đình tôi thu nhập vài chục triệu đồng từ việc nuôi gà. Nguồn thu nhập này giúp gia đình trang trải sinh hoạt hàng ngày”. 

Theo bà Huỳnh Mỹ Kiên, Trưởng Phòng NCC (Sở LĐTBXH), tỉnh BR-VT hiện đang quản lý hơn 36.500 hồ sơ NCC với cách mạng, trong đó 7.632 người đang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương, hàng năm, BR-VT còn trích 15 tỷ đồng chăm lo NCC với cách mạng và thân nhân, điển hình như: Trợ cấp tiền, tặng quà vào các dịp lễ, Tết; Xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn giảm tiền mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước; Trợ cấp khó khăn, ốm đau, bệnh tật nặng, trợ cấp ưu đãi giáo dục với HS-SV; Đưa NCC đi điều dưỡng... 

THƯỜNG XUYÊN SỬA SANG, CHĂM SÓC NGHĨA TRANG LIỆT SĨ, ĐỀN THỜ LIỆT SĨ 

Trong những ngày này, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, người dân tập trung sửa sang, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sĩ, Đền thờ liệt sĩ để đón thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng. Tùy vào mỗi vùng, mỗi địa phương, người dân đều tự nguyện chuẩn bị lễ vật cho lễ cúng theo nghi thức cổ truyền và lễ dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ. 

Tuổi trẻ BR-VT thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.
Tuổi trẻ BR-VT thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Vào đêm 26-7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức các đoàn đến thăm viếng các Đền thờ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Đây là nét riêng của BR-VT trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Và đây cũng là dịp để Đảng bộ, chính quyền và người dân BR-VT ôn lại truyền thống, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, cống hiến to lớn của các liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Đến nay, tỉnh đã xây dựng 35 Đền thờ liệt sĩ, 18 Bia tưởng niệm, 7 Đài tưởng niệm liệt sĩ. Công tác chỉnh trang, xây mới và nâng cấp các nhà bia, đài tưởng niệm, đền thờ, nghĩa trang liệt sĩ luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quan tâm. 

Tri ân NCC với cách mạng là việc làm thường xuyên, lâu dài. Vì thế, BR-VT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm lo, giải quyết đầy đủ các chế độ chính sách cho NCC, nhất là chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, thương binh, bệnh binh nặng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình NCC có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa “Đền ơn đáp nghĩa”; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng, sự đóng góp hy sinh của NCC và thân nhân của họ đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. 

(Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH)


5 năm qua (2013-2018), toàn tỉnh có 424 NCC được miễn giảm tiền sử dụng đất với số tiền 121 tỷ đồng. Tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 2.070 căn nhà cho NCC với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, từ 2013 đến nay, tỉnh đã xây mới 181 căn nhà và sửa chữa 325 căn nhà cho NCC với tổng kinh phí 33,8 tỷ đồng. Hiện nay, 39 Mẹ Việt Nam Anh hùng được nhận phụng dưỡng đến cuối đời với số tiền từ 1 - 1,5 triệu đồng/Mẹ/tháng, những Mẹ có hoàn cảnh neo đơn không nơi nương tựa được UBND tỉnh hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/tháng.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

;
.