Trò chuyện với AI

Chủ Nhật, 11/05/2025, 14:59 [GMT+7]
In bài này
.

Hôm nay, tôi bật máy tính, mở một cuộc trò chuyện với AI. Tôi không tìm kiếm, tra cứu dữ liệu, không cần giải mã con số nào cả. Tôi chỉ muốn hỏi. Câu hỏi bật ra từ một mạch suy nghĩ lơ mơ: Nếu một kho hạt nhân được lưu trữ bí mật ở đâu đó rơi vào quyền kiểm soát của AI, điều gì sẽ xảy ra?

Chỉ sau một tích tắc, AI hiện ra hàng loạt kịch bản. Có thể là mất kiểm soát vũ khí chiến lược, có thể là các rạn nứt về cấu trúc quyền lực toàn cầu. Nhưng nguy hiểm hơn là có thể đưa nhân loại vào thảm họa nhân đạo. 

Một viễn cảnh thảm khốc được trình bày rành mạch, lạnh lùng. Mỗi một kịch bản trong đó được viết ra, có lẽ chỉ bằng thời gian một người đặt bút để viết một phép cộng đơn giản. Kết lại, AI khuyến cáo: con người có thể đưa cho nó tất cả, nhưng đừng đưa cho nó chính vận mệnh của con người.

AI không còn đơn giản là một công cụ. Nó không chỉ là máy móc hỗ trợ nữa, mà đã trở thành một thực thể biết quan sát, tổng hợp, dự đoán và đưa ra quyết định. Những vùng mà trước kia con người tin là bất khả xâm phạm, như nghệ thuật, cảm xúc hay trực giác, AI cũng đã có thể xâm nhập. Đặt con người trước một cuộc chạy đua bất cân sức với sản phẩm do chính mình tạo ra. 

Thế giới có nhiều hoạt động phản đối sự phát triển của AI. Kể cả những người nổi tiếng trong giới công nghệ như Elon Musk cũng từng có lần cho rằng nên dừng phát triển các công nghệ AI tối ưu hơn vì lo ngại đến rủi ro về đạo đức và tác động đến xã hội… Kiểu như con người đang đàm phán với tương lai của chính mình với máy móc. 

Nhưng chắc chắn, AI sẽ tồn tại và ứng dụng nhiều hơn. Không giống như nhân bản vô tính, một phát minh bị khước từ vì lằn ranh đạo đức. Al là thứ nhân loại đã mời vào nhà, bằng sự tiện lợi, bằng lợi nhuận và cả nỗi sợ bị bỏ lại phía sau…

Chỉ vài hôm trước, huyện Châu Đức đã tổ chức lớp học AI cho hàng trăm cán bộ cấp xã. Họ không học để viết thuật toán, mà để làm quen. Ai cũng hiểu rằng, nếu không theo kịp, không thích nghi sẽ khó đảm đương nổi công việc trong tương lai, sẽ bị tụt lại và cũng có thể bị loại khỏi bộ máy ngày càng thu hẹp. Giống như internet, AI đã xuất hiện như một xu thế không thể đảo ngược. Mọi người đã bắt đầu học, làm quen. Lĩnh vực hành chính càng không thể chậm trễ, nhất là khi không gian quản lý đang mở rộng theo chủ trương sáp nhập tỉnh.

Hôm nay, tôi cũng đã vừa mới trải qua một lớp học AI. Tôi cũng đã từng ngồi trong một lớp học về AI nhiều năm trước. Khi ấy, tôi xem nó như một trào lưu. Thứ công nghệ xa lạ. Nhưng giờ thì không thể. Vì AI không còn là một lựa chọn. Nó đã trở thành hiện diện thường trực trong đời sống, mình buộc phải theo và mọi người buộc phải theo kịp.

Thế nhưng, dù biết đã là xu thế tất yếu, tôi lại nhận ra một điều không nằm trong bất kỳ thuật toán nào. Chính khoảnh khắc tôi tự hỏi về bản thân, mình sẽ tồn tại như thế nào trong thế giới AI. Chính sự giằng xé ấy, là thứ khiến tôi còn khác với AI. AI không biết tự vấn. Nó không nghi ngờ chính mình. Nó chỉ tiếp tục, như một dòng chảy không cảm xúc.

Còn con người, chúng ta có thể chậm, có thể sai, nhưng biết đau, biết thương, biết hy sinh. Chúng ta nhớ, mơ hồ và biết tự hoài nghi về điều mình đang làm. Đó không phải là điểm yếu, mà là nền tảng của ý thức đạo đức và nhân tính. Những điều đó, tổng kết lại, có thể giúp ta chạy nhanh hơn trong kỷ nguyên mới, nhưng không rời xa bản ngã của mình. Vì có thể, điều quan trọng nhất trong kỷ nguyên này không nằm ở việc cạnh tranh với AI, mà là giữ lại phần mà chỉ con người mới có. Khoảng lặng, phút ngập ngừng, quyết định không dựa trên lợi ích tuyệt đối, mà còn xuất phát từ lòng trắc ẩn vì giá trị chúng ta hướng tới là hạnh phúc của con người.

Tôi tắt máy. Ngoài trời vẫn còn sáng.

NHẬT MINH

 
;
.