Kỳ nghỉ hè năm nay, thay vì đặt tour truyền thống qua công ty lữ hành, tôi quyết định sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự thiết kế lịch trình du lịch cho gia đình đến Côn Đảo. Với mong muốn có những trải nghiệm riêng biệt, tôi nhập một số thông tin cơ bản về sở thích, thời gian lưu trú, độ tuổi các thành viên… và chỉ sau vài phút, một lịch trình hoàn chỉnh hiện ra.
AI đã lên sẵn cho tôi kế hoạch 3 ngày khám phá, từ rừng nguyên sinh, xem rùa đẻ trứng đến thư giãn và trải nghiệm ẩm thực địa phương. Mỗi hoạt động đều được kèm theo mô tả chi tiết, khoảng cách từ khách sạn, địa chỉ cụ thể và các gợi ý ăn uống. Một kế hoạch chu toàn, đầy đủ đến từng chi tiết mà không cần phải nhờ tới người bản địa hay “cày” qua hàng chục trang web như trước.
Anh bạn tôi vừa có chuyến công tác đến Côn Đảo cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự. Anh chỉ có một ngày rảnh rỗi trước khi về đất liền, nhưng nhờ ChatGPT, anh vẫn có thể sắp xếp một chuyến nghỉ ngơi, tham quan gọn gàng, hợp lý trong vòng 24 giờ. “Tôi không ngờ chỉ với vài dòng nhập liệu, một lịch trình đầy đủ ăn, chơi, ở, lại có thể được xử lý nhanh và hiệu quả đến vậy”, anh nói.
Không thể phủ nhận, sự phát triển vượt bậc của AI đang làm thay đổi cách con người tiếp cận du lịch. Nếu như trước đây, việc lên kế hoạch cho một chuyến đi là cả một “bài toán khó”, phải tự tra cứu, đối chiếu, so sánh, thì nay, với vài thao tác đơn giản, người dùng có thể nhận được một lịch trình cá nhân hóa, cân bằng giữa ngân sách, thời gian và sở thích từng người.
Theo khảo sát của Booking.com, 83% khách Việt dự định sử dụng AI để lên kế hoạch du lịch, trong đó 59% tỏ ra hào hứng với việc dùng công cụ như AI Trip Planner. Đáng chú ý, 79% cho biết họ dùng AI để khám phá những điểm đến mới lạ mà có thể chưa từng nghĩ tới nếu chỉ tìm kiếm theo cách truyền thống.
Xu hướng này không chỉ mang lại tiện ích cho du khách, mà còn tạo sức ép tích cực buộc ngành du lịch phải thay đổi. Các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh hơn vào chất lượng dịch vụ, cập nhật thông tin đầy đủ lên nền tảng số, chú trọng vào trải nghiệm thực tế thay vì chỉ quảng bá hình ảnh. Những “trợ lý ảo du lịch” như ChatGPT, Google Bard hay app tích hợp AI của Agoda, Booking, Traveloka… đang buộc các công ty lữ hành truyền thống phải chuyển mình, phát triển các tour linh hoạt, dịch vụ “may đo” cho từng phân khúc khách hàng.
Đặc biệt, AI cũng đang góp phần xóa nhòa khoảng cách giữa khách nội địa và quốc tế. Nhờ khả năng đa ngôn ngữ và phân tích hành vi, khách nước ngoài đến Việt Nam có thể tự tin khám phá mà không lo rào cản ngôn ngữ. Ngược lại, khách Việt đi du lịch nước ngoài cũng trở nên chủ động hơn với hành trình tự thiết kế, hạn chế rủi ro khi “lạ nước lạ cái”.
Tuy nhiên, du lịch không chỉ là bài toán của “đi đâu, ăn gì”, mà còn là hành trình cảm xúc. AI có thể tối ưu hóa lịch trình, nhưng sẽ không thể thay thế những phút ngẫu hứng, những câu chuyện ven đường hay cái bắt tay thân thiện từ người dân bản xứ. Một chuyến đi lý tưởng là sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và cảm xúc, giữa chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần khám phá không khuôn mẫu.
Với ngành du lịch Việt Nam, đây là thời điểm cần nắm bắt cơ hội, thay vì bị động đối phó với xu hướng. Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, kết nối dữ liệu mở, nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nhân lực số là những bước đi cần thiết để không bị tụt hậu trong kỷ nguyên AI. Chỉ khi ấy, AI mới thực sự trở thành “hướng dẫn viên đáng tin cậy”, giúp đưa hình ảnh Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ du lịch thế giới.
MINH THIÊN