Thời gian qua, tại một số địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế. Gần đây nhất, ngày 4/5, một nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định bị con trai bệnh nhân đấm nhiều lần vào vùng đầu, mặt. Trước đó, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra hôm 25/4 tại Trung tâm y tế huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ khi một nhân viên điều dưỡng bị người nhà bệnh nhân đạp vào bụng trong lúc đang cấp cứu cho bệnh nhân.
Tình trạng nhân viên y tế bị người nhà hành hung xảy ra khá phổ biến trong nhiều năm qua. Hàng ngày, mỗi bệnh viện tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, trong đó có hàng chục trường hợp cấp cứu. Đội ngũ nhân viên y tế tại các bệnh viện thường xuyên bị quá tải về công việc. Chưa kể, quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ luôn phải đứng trước ranh giới mong manh giữa người hùng và tội đồ. Nếu cứu sống bệnh nhân, họ sẽ được tôn vinh. Ngược lại, bệnh nhân gặp bất kỳ vấn đề gì bất lợi về sức khỏe, họ sẽ bị người nhà quy tội. Từ đó, họ dễ trở thành đối tượng để người nhà bệnh nhân trút giận.
Thầy thuốc là một nghề cao quý. Nhiệm vụ của họ là cứu người. Trong con mắt của thầy thuốc, mọi bệnh nhân đều bình đẳng như nhau, bất kể đó là ai. Hơn ai hết, họ hiểu được tình trạng của bệnh nhân như thế nào và sẽ quyết định ưu tiên cứu chữa cho ai trước. Bệnh nhân và người nhà phải đặt niềm tin vào thầy thuốc, tạo cho họ tâm lý thoải mái thì họ mới có thể tập trung chữa trị nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Trong khi đó, người nhà thì cho rằng sự an toàn, tính mạng của thân nhân mình là quan trọng nhất. Họ luôn đòi hỏi phải ưu tiên khám, chữa bệnh, quan tâm người nhà mình trước. Những hành vi này khiến cho nhân viên y tế mất thời gian giải thích hoặc bị phân tâm, lo sợ, áp lực, có thể dẫn đến sai sót về nghiệp vụ hoặc mất đi “giờ vàng” cứu chữa người bệnh. Hậu quả có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi, thậm chí là cả tính mạng của bệnh nhân.
Có nhiều nguyên nhân khiến người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế. Nhưng, dù vì bất kỳ lý do nào, đây cũng là hành vi không thể chấp nhận. Những hành vi đó cần phải lên án, xử lý nghiêm minh trước pháp luật để răn đe, bảo đảm sự an toàn, an tâm cho đội ngũ y, bác sĩ.
Tuy nhiên, những vụ việc kể trên cũng cho thấy ngành y tế còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Ngành y tế đã có nhiều nỗ lực nhằm thay đổi thái độ phục vụ nhưng đôi lúc vẫn xảy ra tình trạng nhân viên y tế giải thích không đầy đủ, thái độ thiếu chuẩn mực, thậm chí là “hành” dân, đòi hỏi phải nộp đủ viện phí mới cứu người… Thái độ đó cùng với việc lo lắng về tình trạng của bệnh nhân khiến người nhà bức xúc và dễ gây ra hành vi sai trái. Ai chẳng có tâm lý lo lắng trước sự an toàn sức khỏe, tính mạng của người thân mình. Đưa người nhà vào bệnh viện, họ không tránh khỏi sự nôn nóng, nhất là những trường hợp cần cấp cứu hoặc lâm vào trạng thái nguy kịch. Khi ấy, thái độ của nhân viên y tế là rất quan trọng. Nếu được giải thích, động viên và xử trí ca bệnh kịp thời, người nhà bệnh nhân sẽ an tâm, tin tưởng vào đội ngũ nhân viên y tế hơn.
Do đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đội ngũ nhân viên y tế cần không ngừng nâng cao y đức, thái độ phục vụ niềm nở, ân cần, thực sự coi người bệnh như thân nhân, nhằm giảm bớt những căng thẳng không đáng có giữa đôi bên.
NGUYỄN ĐỨC